Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Số ca nhiễm và tử vong mới do COVID-19 vẫn ở mức cao

PV - 10:16, 13/07/2021

Đến sáng 13/7, thế giới có tổng số 188.025.227 ca nhiễm và 4.055.140 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 368.945 ca nhiễm và 5.988 ca tử vong mới. Số ca nhiễm và tử vong mới trong một ngày do COVID-19 trên thế giới đã giảm song vẫn ở mức rất cao.

Các nước đang đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: AFP)
Các nước đang đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: AFP)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 13/7, đã có 171.971.025 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 11.999.062 ca bệnh đang điều trị, có 11.920.554 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 78.508 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 40.427 ca nhiễm mới, Indonesia là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Anh (34.471 ca) và Ấn Độ (27.404 ca). Cùng với đó, Indonesia cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 891 ca, sau đó là Nga (710 ca) và Brazil (687 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 57.792.774 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 13/7, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 823.637 ca đã tử vong do COVID-19 và 54.850.269 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 30.901.311; 5.486.959 và 3.394.279 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 409.287; 50.278 và 86.041 ca.

Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 90.772 ca nhiễm và 832 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 49.015.011 ca nhiễm mới và 1.113.937 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.813.899; 5.808.473 và 5.155.243 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Nga là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 143.712 ca, sau khi ghi nhận thêm 710 ca tử vong mới trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Anh (128.431 ca) và Italy (127.788 ca).

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 41.040.389 ca, trong đó có 924.919 ca tử vong và 34.494.050 ca được điều trị khỏi. Với 34.757.493 ca nhiễm và 622.990 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.590.500 và 1.421.108 ca nhiễm, cùng 234.969 và 26.438 ca tử vong vì COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 54.449 ca nhiễm và 1.897 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 34.066.413 ca và 1.038.598 ca tử vong. Trong ngày qua, Colombia là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 18.650 ca nhiễm mới, sau đó là Brazil với 17.031 ca và Argentina với 14.989 ca. Tuy nhiên, với 687 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 509 ca tử vong mới và Argentina với 474 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 13/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 6.027.578 ca, trong đó có 152.708 ca tử vong và 5.250.580 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.206.781 ca nhiễm và 64.509 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 11.182 ca nhiễm mới và 220 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 543.119 và 501.923 ca nhiễm bệnh cùng 9.384 và 16.494 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 82.341 ca nhiễm (tăng 987 ca) và 1.326 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 3 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 113 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 31.216 ca, trong đó 911 ca tử vong.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành mạnh mẽ trên thế giới với số lượng ca mắc và tử vong không ngừng gia tăng, đặc biệt là sự lây lan mạnh của biến thể Delta, các quốc gia đang nỗ lực không ngừng đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Tối 12/7 (theo giờ địa phương), phát biểu trên sóng truyền hình Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi thông điệp tới toàn thể người dân về nguy cơ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, cũng như những biện pháp mà nước này sẽ áp dụng để đối phó với làn sóng dịch mới, trong đó chiến dịch tiêm chủng mùa hè sẽ được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, Tổng thống Pháp kêu gọi người dân nước này nâng cao ý thức và phát huy trách nhiệm với cộng đồng để cùng huy động tổng lực cho chiến dịch tiêm chủng mùa hè, góp phần đẩy lùi nguy cơ bùng phát dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do virus Corona và biến thể Delta gây ra.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh quan ngại về sự lây lan của biến thể Delta xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, Chính phủ Séc cũng đã thông qua quyết định rút ngắn thời gian tiêm vaccine ngừa COVID-19 giữa hai liều xuống còn 21 ngày, thay vì 38 ngày như trước, và triển khai hai trung tâm tiêm vaccine ở thủ đô Praha cho đối tượng từ 16 tuổi trở lên.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/7 tuyên bố các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm nhắc lại cho người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh những nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.

Khi số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tiếp tục gia tăng, số ca nhiễm biến thể Delta lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 đang ngày càng trở nên phổ biến và đã xuất hiện ở trên 104 nước, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nhiều quốc gia vẫn chưa nhận đủ số liều vaccine để bảo vệ nhân viên y tế của mình. Ông nhận định khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine COVID-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang đặt mua hàng triệu liều tăng cường, trước khi các quốc gia khác có nguồn cung vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất. Chính vì vậy, WHO kêu gọi các quốc gia giàu không nên đặt mua thêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm nhắc lại cho người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh những nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.

Trong diễn biến có liên quan khác, Liên minh châu Âu (EU) và Senegal đã nhất trí xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Dakar nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống đại dịch COVID-19 và các bệnh đặc hữu khác. Với năng lực sản xuất 25 triệu liều vaccine mỗi tháng từ nay đến cuối năm 2022, nhà máy mới được kỳ vọng sẽ giảm sự phụ thuộc hiện tại của châu Phi vào nhập khẩu vaccine và tăng cường khả năng đối phó với các đại dịch trong tương lai.

Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada Karina Gould và Bộ trưởng phụ trách dịch vụ công và mua sắm Anita Anand cho biết Chính phủ Canada sẽ tặng thêm 17,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho chương trình COVAX./.