Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Số ca mắc ở Ấn Độ tăng gấp đôi sau 3 tháng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các nước Đông Nam Á

PV - 10:06, 05/05/2021

Đến sáng 5/5, thế giới có trên 154,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,23 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 154,8 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Hơn 154,8 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 33,2 triệu ca mắc và hơn 592.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 31.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 20,6 triệu người đã nhiễm bệnh. Ngày 4/5, Ấn Độ báo cáo gần 382.700 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất thế giới. Đã 13 ngày liên tiếp, nước này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Như vậy, hiện tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ đã tăng gần gấp 2 lần chỉ trong 3 tháng qua, trong khi số ca tử vong là trên 226.100 bệnh nhân.

Theo các chuyên gia y tế, những con số trên vẫn chưa phản ánh hết tình hình dịch bệnh đáng báo động tại quốc gia Nam Á này. Và những tuần tới sẽ là những tuần rất khủng khiếp, khi các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Hiện hệ thống y tế Ấn Độ đang trong trạng thái cầm cự, không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân mới. Nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục hỗ trợ Ấn Độ vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Biến thể kép B.1.617 được phát hiện ở Ấn Độ được cho là nguyên nhân chủ yếu của làn sóng lây nhiễm này. Biến thể B.1.617 đã được phát hiện trong hơn 1.200 chuỗi trình tự gene có trên dữ liệu mở của ít nhất 17 nước, đa số ở các nước Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về sự lây lan của biến chủng trên toàn thế giới.

Biến thể B.1.617 chứa 2 đột biến đáng lo ngại là E484Q và L425R, trên protein gai của virus SARS-CoV-2. Protein gai cho phép virus xâm nhập vào cơ thể và lây nhiễm với tốc độ nhanh hơn. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể kép B.1.617. Biến thể này cũng xuất hiện tại các quốc gia châu Âu như Thụy Sỹ, Pháp, Romania.

Tuy nhiên, Ấn Độ mới đây đã công bố một thông tin lạc quan là vaccine Covaxin do nước này phát triển có khả năng bảo vệ trước biến thể đột biến kép B.1.617. Hãng dược phẩm Đức BioNTech khẳng định, vaccine của Pfizer-BioNTech cũng có hiệu quả chống lại biến thể này.

Mặc dù các nhà khoa học đã nắm rõ cách thức hai đột biến này hoạt động một cách riêng rẽ nhưng vẫn chưa biết về tác động tổng hợp của chúng khi xuất hiện cùng nhau. Do đó, các nhà khoa học được khuyến cáo thực hiện thêm các nghiên cứu để hiểu khả năng lây truyền và khả năng lây nhiễm của biến thể này.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 408.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 14,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Từ ngày 6/5, tại Đan Mạch, các trường trung học cơ sở được phép mở cửa trở lại, một loạt hoạt động trong không gian kín được nối lại gồm nhà hát, rạp chiếu phim, cơ sở thể thao trong nhà và phòng tập gym... Người tham gia phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã mắc và khỏi bệnh trước đó, hoặc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến sự kiện. Theo kế hoạch, từ ngày 21/5 tới, các sự kiện ngoài trời cũng sẽ được phép tổ chức với số người tham gia tối đa là 2.000 người.

Trước làn sóng dịch từ các nước Nam Á, ngày 5/5, Singapore đã siết chặt một loạt hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo đó, du khách nhập cảnh vào Singapore sẽ phải cách ly 21 ngày thay vì 14 ngày như trước đây. Những người đang cách ly hiện tại cũng sẽ phải cách ly bổ sung thêm 7 ngày nữa. Giới hạn đối với các cuộc tụ tập đông người cũng sẽ giảm từ 8 xuống còn 5 người. Số lượng nhân viên đi làm việc tại văn phòng giảm từ 75% xuống còn 50%. Các phòng tập thể dục sẽ phải đóng cửa. Các quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 8/5. Đến nay, Singapore ghi nhận trên 61.200 người mắc COVID-19 và 31 ca tử vong.

Bộ Y tế Lào cho biết, với 60 ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận tại 5 trên 18 tỉnh thành phố trong 24 giờ qua, nước này đã có 1.026 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi dịch bùng phát và chưa có ca nào tử vong. Một tin vui là lần đầu tiên trong nhiều ngày, số ca nhiễm mới tại thủ đô Vientiane chỉ ở mức 1 con số với 8 ca, giảm hơn 6 lần so với ngày đầu tháng 5/2021. Bộ Y tế Lào cho biết sẽ phong tỏa một số khu vực ở thủ đô Vientiane, nơi có đông người Việt sinh sống sau khi ghi nhận một số ca mắc mới COVID-19 ở những khu vực này.

Vào chiều 4/5, Chính phủ Lào đã ban hành quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa đến ngày 20/5 để ngăn làn sóng COVD-19 thứ 2 lây lan. Quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa toàn quốc được đưa ra sau khi Lào vẫn liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 tại các tỉnh thành và chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, Lào vẫn duy trì toàn bộ các biện pháp đã áp dụng trong đợt phong tỏa lần thứ nhất, bắt đầu từ 6h ngày 22/4.

Người dân trên khắp cả nước vẫn được yêu cầu hạn chế di chuyển, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết. Người và phương tiện ở tỉnh này không có nhiệm vụ sẽ không được đi sang tỉnh khác và ngược lại, tiếp tục đóng cửa các cửa hàng giải trí, karaoke, Internet, cà phê, massage, trung tâm thể thao...

Hiện tổng số người mắc COVID-19 tại Thái Lan là trên 72.700 trường hợp. (Ảnh: AP)
Hiện tổng số người mắc COVID-19 tại Thái Lan là trên 72.700 trường hợp. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan cho biết, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cho đến nay đã lên tới 303 người sau khi có thêm 27 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua. Để ngăn chặn đà lây lan tại quận Khlong Toei, ổ dịch mới ở thủ đô Bangkok, bắt đầu từ chiều 5/5, Thái Lan đã tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 1.000 người và dự kiến có khoảng 2.000 đến 3.000 người ở đây được tiêm trong những ngày sau đó. Thái Lan cũng đặt mục tiêu từ nay đến ngày 19/5 sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 20.000 người ở quận Khlong Toei. Hiện tổng số người mắc COVID-19 tại Thái Lan là trên 72.700 trường hợp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia thông báo đã ghi nhận tại thủ đô Jakarta 2 trường hợp nhiễm biến thể kép B.1.617 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Đây là loại biến thể có khả năng lây lan cao. Hiện đang là lễ Eid al-Fitr, kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia đã buộc phải ban hành lệnh cấm đi lại từ ngày 6/5 cho đến ngày 17/5 nhằm ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng. Ngày 4/5, Indonesia báo cáo trên 4.300 ca nhiễm mới. Hơn 46.100 người đã tử vong trong tổng số trên 1,6 triệu ca mắc COVID-19 tại quốc gia này.

Cũng trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận 5.683 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên hơn 1 triệu trường hợp, trong đó có trên 17.600 bệnh nhân thiệt mạng. Ngày 4/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tiêm liều đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 Sinopharm do Trung Quốc sản xuất, đồng thời kêu gọi người dân nước này đi tiêm phòng đầy đủ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

Ngày 4/5, Campuchia đã ghi nhận thêm 938 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đây là mức lây nhiễm cao kỷ lục kể từ "sự cố lây nhiễm cộng đồng 20/2" dẫn đến tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay. Trong số 938 ca nhiễm mới, có 608 ca ở thủ đô Phnom Penh. Như vậy, tính đến ngày 5/5, Campuchia đã ghi nhận 16.299 người nhiễm COVID-19, trong đó có 107 ca tử vong, hơn 10.400 bệnh nhân đang được điều trị.

Trước đó, vào tối 3/5, Chính phủ Campuchia đã công bố quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn bộ thủ đô Phnom Penh và thành phố tiếp giáp thủ đô là Ta Khmau thuộc tỉnh Kandal. Quyết định sẽ có hiệu lực kể từ ngày 6/5. Tuy nhiên, chính quyền thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal khẳng định sẽ vẫn áp dụng các biện pháp phong tỏa đối với một số khu vực thuộc hai địa bàn trên, cũng như những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.