Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sáp nhập thôn bản ở miền núi: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

PV - 10:55, 23/11/2018

Sáp nhập thôn chưa đạt chuẩn là chủ trương đúng đắn nhằm tinh gọn bộ máy, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; giúp thuận tiện trong công tác quản lý; góp phần giảm bớt chi phí cho bộ máy hoạt động của thôn… Tuy nhiên, ở khu vực miền núi, vùng cao, việc sáp nhập thôn bản gặp rất nhiều khó khăn không dễ tháo gỡ.

Khập khiễng khi sáp nhập

Thôn Làng Vây, xã Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị) có 31 hộ, với 132 nhân khẩu, 100% là dân tộc Vân Kiều. Giai đoạn 2017-2020, Làng Vây là thôn duy nhất của xã Tân Long được thụ hưởng Chương trình 135; cũng có nghĩa là tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Làng Vây hiện còn rất cao (trên 45%).

Tại Điều 7-Thông tư số 09/2017/TT-BNV, ngày 19/12/2017 của Bộ Nội vụ đã có quy định về điều kiện thành lập thôn, tổ dân phố. Theo đó, thôn vùng miền núi phải có từ 200 hộ trở lên mới đủ chuẩn. Điều này đồng nghĩa, thôn Làng Vây sẽ phải sáp nhập với các thôn khác.

Theo phương án của UBND huyện Hướng Hóa, thôn Làng Vây sẽ được sáp nhập với thôn Long Phụng, nơi sinh sống của 126 hộ, với 554 nhân khẩu, 100% dân số là dân tộc Kinh. Hết năm 2017, tỷ lệ hộ khá, giàu ở Long Phụng chiếm hơn 80% tổng số hộ, toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo. Giai đoạn 2012-2016, Long Phụng được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận “Làng văn hóa xuất sắc”.

Rõ ràng, trình độ phát triển giữa Làng Vây và Long Phụng là hoàn toàn cách xa nhau. Vì thế, khi đưa ra phương án để Long Phụng và Làng Vây “về chung một nhà” không nhận được sự đồng thuận của người dân cả hai thôn. Kết quả khảo sát ý kiến người dân về việc sáp nhập của UBND xã Tân Long cho thấy, tỷ lệ đồng thuận đạt rất thấp.

sáp nhập thôn bản Nhiều thôn bản ở vùng cao ở Quảng Trị phải sáp nhập vì chưa đủ chuẩn về quy mô dân số. (trong ảnh: Khu định canh định cư thôn Pa Lin, xã A Vao, huyện Đăkrông chỉ có 50 hộ).

Theo kết quả khảo sát, một trong những băn khoăn của người dân là khi sáp nhập hai thôn về làm một, do đặc thù về phong tục tập quán của mỗi thôn khác nhau dẫn đến những bất tiện không đáng có. Nhưng nguyên nhân chính là do người dân Làng Vây lo khi sáp nhập sẽ không còn được thụ hưởng chính sách của thôn ĐBKK; còn người dân thôn Long Phụng sẽ bị mất danh hiệu “Làng văn hóa xuất sắc” khi phải “cõng” thêm nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Những khó khăn bước đầu trong việc sáp nhập thôn bản cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác của huyện Hướng Hóa. Như ở xã Tân Hợp, chính quyền địa phương đưa ra phương án sáp nhập thôn Tà Đủ và thôn Lương Lễ thành một để lấy ý kiến người dân. Sau khảo sát, tỷ lệ ủng hộ phương án sáp nhập này chỉ đạt 5,26%.

Nguyên nhân cũng giống như việc “se duyên” cho thôn Làng Vây và thôn Long Phụng ở xã Tân Long. Thôn Tà Đủ có 38 hộ, 184 nhân khẩu, đại đa số là dân tộc Vân Kiều, là thôn duy nhất của xã Tân Hợp được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Còn Lương Lễ là thôn điển hình trong xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa xã Tân Hợp ‘cán đích” nông thôn mới tháng 6/2018 vừa qua.

Không thể sáp nhập một cách cơ học

Trên thực tế, những khó khăn trong việc sáp nhập thôn bản ở Hướng Hóa cũng hiện hữu ở nhiều địa phương miền núi trên cả nước. Các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, chính sách hỗ trợ… khác nhau là những rào cản để thực hiện việc sáp nhập. Ngay cả với những địa phương có tỷ lệ ủng hộ khá cao, người dân vẫn băn khoăn về chính sách hỗ trợ, những bất tiện khi sáp nhập

Như huyện Na Hang (Tuyên Quang), theo kế hoạch, trong các năm năm 2018-2019, huyện sẽ sáp nhập 31 thôn, bản thành 16 thôn bản. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên khi đưa ra phương án, tỷ lệ người dân đồng tình, ủng hộ rất cao. Trong đó, phương án sáp nhập thôn Pá Làng và Nà Đứa của xã Thanh Tương, người dân hai thôn bỏ phiếu tán thành với tỷ lệ trên 50%.

Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất vẫn là việc thụ hưởng chính sách sau khi sáp nhập. Nà Đứa là thôn ĐBKK, được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, còn thôn Pá Làng thì không. Vậy sau khi sáp nhập thì người dân thôn Nà Đứa có được hưởng chính sách nữa hay không?

Như ở Hướng Hóa (Quảng Trị), theo thống kê, toàn huyện có 53 thôn thuộc diện biên giới, 112 thôn ĐBKK theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong 48 thôn xây dựng đề án sáp nhập, có 4 thôn thuộc diện thôn ĐBKK, đang nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

Do nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135 và các chương trình, dự án khác của Nhà nước được chia làm nhiều giai đoạn nên khi sáp nhập, người dân một số thôn có thể sẽ mất đi nguồn hỗ trợ, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Đó chính là nỗi lo không nhỏ của người dân.

Thực tế là, chủ trương sáp nhập thôn bản rất được người dân đồng thuận. Nhưng phương án sáp nhập như thế nào, việc bảo đảm quyền lợi chính sách sau khi sáp nhập ra sao là những vấn đề người dân quan tâm.

Ở nhiều địa phương, khi sáp nhập thôn đang được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, người dân đều kiến nghị xã phải cam kết giữ nguyên chế độ, chính sách sau khi sáp nhập. Nhưng đây là vấn đề nằm ngoài thẩm quyền của xã, thậm chí là của huyện, của tỉnh.

Những chi tiết nêu trên cho thấy, để thực hiện sáp nhập thôn bản ở miền núi, vùng cao thì cần giải quyết thấu đáo những khó khăn vướng mắc hiện tại. Các địa phương khi thực hiện việc sáp nhập cần xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả của việc sáp nhập. Đặc biệt, để thực hiện tốt việc sáp nhập cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, nhất là đội ngũ lãnh đạo thôn hiểu được chủ trương của Đảng, vì lợi ích chung.

SỸ HÀO