Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sáng 14/10, không có ca mắc COVID-19

PV - 09:04, 14/10/2020

Bản tin sáng ngày 14/10, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay là 42 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng.

 Nguồn: Bộ Y tế
Nguồn: Bộ Y tế

Cụ thể, tính đến 6h ngày 14/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01). Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh.

Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 42 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.

Hiện có tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.484, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 147; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.512; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 825.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.026 bệnh nhân/1.113 bệnh nhân COVID-19.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 8 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 14 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Tại buổi giao ban trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 với các địa phương trong cả nước diễn ra hôm qua- ngày 13/10, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng vào thời điểm này, việc ngăn chặn dịch từ bên ngoài vào rất quan trọng mà đối tượng đặc biệt quan trọng là các chuyên gia, những người hồi hương, những người nhập cảnh.

“Vừa rồi chúng tôi thấy có địa phương triển khai tốt, tuy nhiên có địa phương còn lơ là, buông lỏng và không kiểm soát tốt người nhập cảnh, nhất là những trường hợp cách ly tại cơ sở lưu trú. Công tác cách ly đã được hướng dẫn cụ thể tuy nhiên vẫn có những địa phương không thực hiện đúng hướng dẫn này. Chỉ cần một trường hợp nhiễm bệnh thì lây lan sẽ gia tăng theo cấp số nhân trong cộng đồng”- Quyền Bộ trưởng thẳng thắn nói.

Do đó Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương, nhất là các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với biên phòng giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, người nào cách ly tại cơ sở tập trung, người nào cách ly tại cơ sở lưu trú. Chúng ta phải giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở, y tế cơ sở trong công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời và theo dõi sau cách ly./.