Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sản xuất nông nghiệp ở miền Trung: Nỗ lực gượng dậy sau lũ lụt

Hoàng Quý - 12:05, 09/12/2020

“Khúc ruột” miền Trung năm nào cũng chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề; trong đó sản xuất nông nghiệp là ngành chịu thiệt hại trực tiếp. Để gượng dậy sau lũ lụt, cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, ngành Nông nghiệp ở miền Trung rất cần thêm chính sách hỗ trợ.

Miền Trung chìm trong lũ lớn
Miền Trung chìm trong lũ lớn

Hơn nửa tháng qua, các tỉnh miền Trung chìm trong lũ lớn lịch sử do ảnh hưởng của bão số 6 và số 7. Cùng với tổn thất nặng nề về người và tài sản, thì lĩnh vực nông nghiệp cũng đang đứng trước cảnh điêu đứng.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), tính đến trưa ngày 21/10, các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Nam đã có 900ha lúa bị ngập; 7.126ha hoa màu bị ngập, hư hại; 3.978ha thủy sản bị thiệt hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị cuốn trôi, chết.

Mưa lũ cũng làm ngập hàng trăm nghìn ngôi nhà. Tính đến 19h ngày 20/10, có 124.569 hộ dân tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình còn ngập trong nước.

Lũ tiếp tục chồng lũ khi mà theo dự báo, bão số 8 đang hướng vào đất liền trong những ngày tới. Tình hình mưa lũ ở khu vực còn diễn biến phức tạp đến cuối năm. Điều này đồng nghĩa với việc ngành Nông nghiệp ở miền Trung tiếp tục gánh chịu tổn thất.

Sản xuất nông nghiệp chịu tổn thất nặng nề do lũ lụt
Sản xuất nông nghiệp chịu tổn thất nặng nề do lũ lụt

Còn nhớ năm 2016, năm thiên tai nặng nề, từ giữa tháng 10/2016 đến giữa tháng 12/2016, các tỉnh miền Trung đã liên tiếp nhận 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng và kéo dài. Mưa lũ dồn dập những tháng cuối năm 2016 đã khiến khu vực này có hơn 42.800ha lúa, 39.000ha hoa màu bị ngập hư hại; hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…; tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng.

Hiện các cấp, ngành đang triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, mục tiêu trước mắt, trên hết là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ. Các địa phương cũng đang khẩn trương kiểm tra lại tình hình thiệt hại, dùng nguồn quỹ dự phòng để khắc phục hệ thống giao thông, thủy lợi và kịp thời có kế hoạch hỗ trợ người dân gặp khó khăn do mưa lũ và sớm ổn định sản xuất, cuộc sống người dân vùng lũ.

Việc bảo đảm an toàn, cứu trợ khẩn cấp cho người dân miền Trung là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng cần tính phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất sau lũ
Việc bảo đảm an toàn, cứu trợ khẩn cấp cho người dân miền Trung là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng cần tính phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất sau lũ

Để người dân miền Trung khôi phục sản xuất sau lũ lụt, các địa phương khu vực này có thể áp dụng chính sách được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định này thực sự khó thực thi trên thực tế.

Cụ thể, theo Nghị định, người dân chỉ được xem xét hỗ trợ khi sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương. Đặc biệt là phải đáp ứng điều kiện: “Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai”.

Điều này là “bất khả thi” đối với người nông dân miền Trung khi lũ đến bất ngờ, không kịp ứng phó. Đây là những quy định cứng nhắc, cần sớm được sửa đổi, để giúp người dân vượt khó, sớm khắc phục hậu quả và tái sản xuất sau lũ lụt.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 hỗ trợ 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của Nhà nước.