Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sản xuất nông nghiệp ở miền núi trước biến đổi khí hậu: Gánh nặng trong sản xuất (Bài 2)

Khánh Thi - CĐ - 12:15, 17/09/2021

Biến đổi khí hậu (BĐKH) dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất của tất cả các hệ thống sản xuất ở Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp. Nhất là ở miền núi, trong điều kiện sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phương thức canh tác còn lạc hậu, BĐKH sẽ làm gia tăng gánh nặng dịch bệnh, kéo giảm năng suất của các loại cây trồng, vật nuôi.

Ngô là cây trồng chủ lực ở miền núi, hiện đang đối diện nguy cơ giảm năng suất, sản lượng do biến đổi khí hậu, nhiều loại sâu bệnh mới xuất hiện.
Ngô là cây trồng chủ lực ở miền núi, hiện đang đối diện nguy cơ giảm năng suất, sản lượng do BĐKH, nhiều loại sâu bệnh mới xuất hiện.

Gia tăng dịch bệnh

Ngô là cây màu phổ biến ở các địa phương miền núi, là nguồn thu nhập chủ yếu của các hộ đồng bào DTTS, nhất là ở các địa bàn vùng cao. Nhưng những năm gần đây, cùng với tác động của BĐKH, nhiều diện tích ngô ở nhiều địa phương đã bị bị thiệt hại do một số loài sâu bệnh mới, trong đó có sâu keo mùa thu phá hoại.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sâu keo mùa thu là loài sâu ngoại lai mới xâm lấn vào Việt Nam từ đầu năm 2019. Sâu keo mùa thu có khả năng di trú xa, gây hại mạnh trên cây ngô và nhiều loại cây trồng khác.

Dù là loài mới nhưng sâu keo mùa thu đã gây hại tại hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, chỉ từ tháng 5 đến tháng 7/2019, sâu keo đã gây hại cho 15.000 ha ngô trên cả nước; trong đó, tỉnh Điện Biên thiệt hại khoảng 3.300 ha, Gia Lai gần 5.000 ha… Còn tại Lạng Sơn, dù lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn nhưng sâu keo cũng đã gây hại cho hơn 700 ha ngô.

Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đây là một bệnh dịch hết sức nguy hiểm với ngành trồng trọt. Sâu keo mùa thu có tốc độ lây lan nhanh, sâu bướm trưởng thành có thể bay xa nhiều km mỗi đêm nên dịch hại này có thể nhanh chóng lây lan.

Loài sâu này gây hại lớn trên cây ngô, ước tính thất thoát về năng suất gây ra dao động từ 30-60%, thậm chí lên tới 100% nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp. Ngoài ra, sâu keo mùa thu còn có thể gây hại trên 80 loài cây trồng khác nhau nếu không kiểm soát hiệu quả.

“Có bệnh thì vái tứ phương”, khi có sâu phá hoại mùa màng, người nông dân lại sử dụng giải pháp quen thuộc là phun thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, thuốc trừ sâu là một trong số ít những công cụ phòng trừ sâu keo hiệu quả.

Anh Vàng Dìn Tài, ở xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên), nhớ lại: Vụ ngô năm 2019, gia đình anh trồng hơn 3 ha thì có gần 2 ha ngô bị ảnh hưởng bởi sâu hại. Vì nghĩ là sâu thông thường như mọi năm nên khi phát hiện cây ngô bị ăn lá, gia đình đã mua thuốc về phun thì thấy sâu không chết mà chúng tiếp tục lan sang diện tích khác nhiều hơn.

Theo xác nhận của Cục Bảo vệ thực vật, hiện trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có thuốc được đăng ký để phòng trừ sâu keo mùa thu. Cùng với khả năng di trú xa thì loài sâu bệnh này phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nắng mưa xen kẽ kéo dài.

Cây ngô được trồng ở nhiều vùng đồng bào DTTS, miền núi
Cây ngô được trồng ở nhiều vùng đồng bào DTTS, miền núi

Kéo giảm năng suất

Thực tế cho thấy, với diễn biến thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, mưa cường độ cao đều gây ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống, khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất của tất cả các loại cây trồng. Biến đổi khí hậu cũng đã và đang tạo điều kiện phát sinh sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi.

Nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam (IPSARD) về BĐKH tác động đến sản xuất nông nghiệp cho thấy, trong khi năng suất cây trồng dự báo sẽ giảm thì dịch bệnh dự kiến sẽ tăng do điều kiện khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn. Trong đó, ngô và lúa là hai loại cây trồng chịu tác động rõ nét nhất.

Cụ thể, theo dự báo của IPSARD, đến năm 2050, năng suất ngô dự kiến sẽ thấp hơn 16% so với hiện nay, do tác động của BĐKH (hiện ngô đạt 55 - 65 tấn/ha); sản lượng ngô có thể giảm 781,9 kg/ha, dẫn đến tổng sản lượng giảm 880.000 tấn so với hiện nay.

Còn với cây lúa, theo tính toán, đến năm 2050, năng suất sẽ giảm khoảng 6,6% so với hiện nay. Kéo theo đó, sản lượng vụ lúa xuân có thể giảm 716,6 kg/ha, trong khi sản lượng vụ lúa hè thu có thể giảm 795 kg/ha.; tương đương sẽ làm tổng sản lượng lúa giảm 1.475.000 tấn.

Đến năm 2050, năng suất, sản lượng lúa được dự báo sẽ giảm khoảng 6,6% so với hiện nay (Ảnh minh họa)
Đến năm 2050, năng suất, sản lượng lúa được dự báo sẽ giảm khoảng 6,6% so với hiện nay (Ảnh minh họa)

Đối với các loại cây trồng khác, theo nghiên cứu của IPSARD, năng suất cũng đều có xu hướng giảm trước tác động của BĐKH. Như cây sắn có thể giảm 3,3% năng suất so với hiện nay; cà phê giảm đến 6,6%;…

Biến đổi khí hậu cũng tác động mạnh đến ngành chăn nuôi. Theo tính toán của IPSARD, chăn nuôi lợn dự kiến sẽ giảm 8,2% số đầu con so với hiện nay; đó là không tính đến các cú sốc khí hậu – sự cố thiên tai bất thường. Ngoài ra, BĐKH cũng ảnh hưởng tới sự sinh trưởng phát triển của gia súc, gia cầm: Mùa đông rét đậm, rét hại gây chết hàng loạt gia súc, gia cầm; mùa hè nắng nóng kéo dài, thiếu nước làm giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Đáng chú ý, sự thay đổi các yếu tố khí hậu và thời tiết, làm nảy sinh một số bệnh mới đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển thành dịch hay đại dịch trong những năm gần đây như: Cúm gia cầm; tai xanh heo, lở mồm long móng... Nhiều bệnh có thể lây truyền sang con người gây ra những căn bệnh nguy hiểm.

Những tác động của BĐKH ngày càng rõ nét đối với sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) là rất cấp bách. Chuyển đổi thực hành sản xuất nông nghiệp truyền thống sang hướng thích ứng với BĐKH và bền vững với môi trường sẽ giúp ngành nông nghiệp khắc phục được những thách thức liên quan đến BĐKH. 

Do biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề. Trong sản xuất nông nghiệp, năm 2020, thiên tai đã làm trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị chết,… Trong 8 tháng đầu năm 2021, thiên tai cũng đã làm 69.990 ha lúa, rau màu và 6.582 ha cây trồng bị thiệt hại; 6.016 gia súc, gia cầm bị chết; 7,2 km đê, kè, kênh mương hư hỏng, sạt lở.