Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang: Cần có giải pháp để chấm dứt “giải cứu”

PV - 15:09, 28/12/2018

Mặc dù là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, song, thời gian vừa qua tỉnh Hậu Giang vẫn rơi vào vòng xoáy “giải cứu” nông sản. Điều đó đòi hỏi địa phương cần một giải pháp hợp lý nhằm giải bài toán khó này.

Nông dân thu hoạch mía chạy lũ vào tháng 9 năm 2018. Nông dân thu hoạch mía chạy lũ vào tháng 9 năm 2018.

Làm nông nghiệp theo kiểu “giải cứu”

Tỉnh Hậu Giang hiện có 87% diện tích là đất sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông thủy sản có được danh tiếng tốt như, khóm Cầu Đúc, cá thát lát cườm, lúa gạo và cây mía, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, cùng với thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước giúp tỉnh có thế mạnh và tiềm năng trong các lĩnh vực từ nông sản đến thủy sản.

Thế nhưng, câu chuyện giải cứu hàng chục ngàn tấn đường tồn kho vào đầu năm 2018 và cảnh đi tìm thương lái bán mía, bán lúa chạy lũ vào tháng 8 vừa qua làm cho người nông dân chưa hết lo lắng. Vì thế, ngay từ đầu niên vụ mía 2018-2019, những người trồng mía tại Hậu Giang bắt đầu đứng ngồi không yên trước thông tin mía rớt giá, nguy cơ không có nhà máy thu mua, họ đành chấp nhận, tìm cách bán lẻ cho các cơ sở làm nước mía.

Bà Nguyễn Thị Thúy ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp nhớ lại: “tôi có gần 01ha mía, lúc nước lũ về, chạy đến nhà máy đường thì kế hoạch thu mua chưa có, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ tìm thương lái cũng phải có thời gian. Vụ mía rồi không có lãi”.

Tình trạng nông sản rớt giá, đang diễn ra khắp các địa phương trong tỉnh Hậu Giang. Bà Võ Thị Kim Nga, ở ấp 3, xã Vị Tân, TP. Vị Thanh, trồng cam sành gần 0,5ha cho trái đã ngon ngọt nhưng không có một thương lái nào hỏi mua. Cho dù bà nhiều lần đi “kêu” những thương lái quen biết, thì đều được trả lời do cam “dội chợ” nhiều quá, bán không hết nên không thể thu mua. Do vậy, gia đình bà Nga cứ bán lẻ tẻ thu nhập không đủ bù vào tiền đầu tư.

Tìm giải pháp để chấm dứt “giải cứu”

Trong 10 sản phẩm nông sản thế mạnh của Hậu Giang, hầu hết đang gặp yếu điểm là không có doanh nghiệp lớn, không có nhà máy chế biến tầm cỡ, để nâng chất cho các sản phẩm nông sản. Các sản phẩm vẫn chủ yếu được tiêu thụ một cách chắp vá, nhỏ lẻ, xuất làm nguyên liệu chế biến là chính mà chưa tinh chế thành sản phẩm đến người tiêu dùng.

Là một trong 10 sản phẩm nông sản thế mạnh, đến nay, Hậu Giang có vùng dứa khoảng 2.000 ha, tập trung chủ yếu tại TP. Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Diện tích dứa được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, do người dân phá bỏ cây mía vì thua lỗ như hiện nay.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh lại chưa có nhà máy chế biến quy mô gắn với vùng nguyên liệu này, mà chỉ mới có một số đơn vị chế biến nhỏ lẻ, nên việc tiêu thụ dứa gặp khó, người trồng chưa có thu nhập ổn định, bền vững. Để lo cho chuyện giải cứu nông sản, UBND tỉnh Hậu Giang đã có chủ trương đồng hành hỗ trợ, tạo các điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn, để từng bước phát triển nông sản, thuỷ sản chủ lực.

Theo đó, công ty cổ phần Chế biến xuất khẩu thực phẩm miền Tây (Westfood), đã được chứng nhận đầu tư và mở nhà máy chế biến. Giai đoạn đầu phát triển vùng nguyên liệu dứa tại TP. Vị Thanh, với 100ha dứa nguyên liệu, gắn với nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, giai đoạn tiếp theo, xây dựng vùng nguyên liệu quy mô từ 500-700ha. Đối với cây lúa, địa phương đang khẩn trương tháo gỡ khó khăn dự án nhà máy xay xát và kho gạo xuất khẩu tại thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, góp phần nâng giá trị hạt gạo của địa phương.

Tỉnh Hậu Giang xác định, để đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ổn định, có cơ hội phát triển ngành Nông nghiệp, chỉ bằng cách tham gia vào xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập quốc tế và xây dựng nền tảng logistics liên kết vùng phục vụ phát triển nông nghiệp.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra từng ngày từng, giờ, làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Hậu Giang đã có những chủ trương, chính sách nhằm tạo đột phá trong tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trong đó, có việc xác định lại thứ tự ưu tiên: thủy sản, rau quả, lúa gạo… cũng như đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

H.NGUYÊN