Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sản phẩm len móc thủ công của những phụ nữ Dao

Mỹ Dung - 18:50, 06/09/2024

Ở xã Thượng Yên Công dưới chân núi Yên Tử, TP. Uông Bí (Quảng Ninh) có 1 xưởng đan móc len sợi đặc biệt với nhân công là người Dao Thanh Y cao tuổi. Đáng khâm phục là, phần lớn họ đều có khiếm khuyết cơ thể, thế nhưng, những sản phẩm họ tạo vô cùng sinh động và đẹp mắt. Từ núi rừng Yên Tử, vượt lên nghịch cảnh, sản phẩm len móc thủ công của phụ nữ Dao Thanh Y đã dần đến với nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước và vươn ra cả nước ngoài.

Các nhân công tại xưởng đang miệt mài với sản phẩm của mình
Các lao động tại xưởng đang miệt mài với sản phẩm của mình

Vào một ngày mùa Thu, phóng viên tìm đến xưởng đan len móc của chị Đỗ Thùy Linh tại thôn Đồng Chanh, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí (Quảng Ninh). Chúng tôi khá bất ngờ khi chị Linh nói về việc "rẽ ngang" khởi nghiệp của mình. Sinh năm 1993, chị Linh theo học ngành Sư phạm Tiếng Anh và trở về quê nhà xã Thượng Yên Công dạy học. Tuy vậy, đam mê với nghề đan móc len sợi thủ công và đau đáu nỗi niềm hỗ trợ những chị em phụ nữ yếu thế ở quê nhà, năm 2021 chị đã quyết định nghỉ dạy học và mở xưởng chuyên sản xuất các sản phẩm từ len sợi móc.

Điều đặc biệt, hầu hết lao động ở xưởng là các bà, các chị người DTTS, phần nào bị khiếm khuyết về cơ thể. Dưới bàn tay khéo léo của các bà, các chị đã tạo nên những món đồ thủ công, đồ chơi trẻ em móc từ len sợi hết sức đẹp mắt. Sản phẩm mang hình thù những chú thỏ, chú gấu dễ thương, các nhân vật hoạt hình, lớn nhỏ đầy màu sắc...

Bà Lý Thị Hải, người Dao Thanh Y, thôn Đồng Chanh chia sẻ, bà bị khuyết tật ở chân, đi lại cũng gặp nhiều khó khăn. Ở xưởng cũng có trường hợp bị câm, điếc hay gia cảnh khó khăn. Ban đầu ai cũng băn khoăn khi đến với nghề, nhưng rồi nhờ nỗ lực và động viên, đào tạo tận tình của Linh, đến nay đều là những thợ móc lành nghề, thu nhập ổn định và có thêm niềm vui, sự lạc quan trong cuộc sống.

"Trong 2 năm nay tham gia làm việc tại xưởng, tôi lạc quan, có niềm tin hơn vào cuộc sống. Nguồn thu nhập đều từ công việc ở đây thực sự là "cứu cánh", giúp trang trải cuộc sống thường ngày của tôi. Sức khoẻ của chúng tôi thế này, va chạm xã hội ít mà có việc làm ổn, lại vẫn có thể sắp xếp được việc gia đình nên chúng tôi lại càng cố gắng hơn", bà Hải tâm sự.

Bà Lý Thị Hải (ngồi giữa) cẩn thận với từng mũi len móc trên sản phẩm
Bà Lý Thị Hải (ngồi giữa) cẩn thận với từng mũi len móc trên sản phẩm

Hay như chị Ngô Thị Linh (phường Vàng Danh) bị câm điếc bẩm sinh vào xưởng làm đã ba năm. Linh nhớ lại, những ngày đầu mới học nghề, thao tác chậm nhưng sau quá trình được đào tạo, tay nghề được nâng cao, năng suất lao động của chị được cải thiện đáng kể. Với chị, đây là nơi để những người khuyết tật được lao động, hòa nhập cộng đồng, tạo tâm lý ổn định.

Hiện mỗi tháng xưởng sản xuất khoảng 1.500 sản phẩm. Ngoài xuất khẩu, sản phẩm của xưởng có mặt ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước như Hội An, Nha Trang,... trong đó được yêu thích nhất là các mẫu búp bê mặc áo dài truyền thống, thú bông cầm Quốc kỳ... Tất cả sản phẩm của xưởng đều được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của các bà, các cô, các chị ở chính quê nhà dưới chân núi Yên Tử. Cho đến nay xưởng có khoảng 40 nhân công với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng tùy theo sản phẩm.

"Dạy người khuyết tật tốn nhiều thời gian và khó khăn hơn so với người bình thường. Thông thường, hướng dẫn người bình thường chỉ mất 5-10 ngày, người khuyết tật phải mất cả tháng. Thế nhưng khi thạo việc thì các chị, các em lại rất tâm huyết với công việc nên năng suất, chất lượng công việc và thu nhập của họ lại cao hơn", chị Đỗ Thùy Linh, chủ xưởng chia sẻ.

VĐV SEA Games 31 tại Quảng Ninh tham quan và mua quà lưu niệm bằng len móc thủ công
VĐV SEA Games 31 tại Quảng Ninh tham quan và mua quà lưu niệm bằng len móc thủ công

Từ núi rừng Yên Tử, sản phẩm len móc thủ công của những “nàng Bân” đến với nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước và ra cả nước ngoài. Chị Đỗ Thuỳ Linh ấp ủ dự định mở những workshop nho nhỏ tại Hạ Long để mỗi du khách đi qua có thể “xem tận mắt, sờ tận tay”. Những món quà mang hình ảnh quê hương sẽ theo du khách đi muôn nơi, là “đại sứ” quảng bá về Yên Tử, Hạ Long, Việt Nam thật mến khách và thân thiện.

Nhắc về xưởng đan len móc truyền thống này, Phó Chủ tịch xã Thượng Yên Công Phạm Thị Hương Thúy cho biết: Xưởng đan len móc tại thôn Đồng Chanh đã và đang góp phần giải quyết lao động việc làm cho địa phương, đặc biệt là phụ nữ trung tuổi, khuyết tật. Chính quyền địa phương rất tự hào, ghi nhận về tinh thần trách nhiệm xã hội của chị Linh và các chị, các bà trong xưởng đan này. Xã cũng đã hướng đến việc giới thiệu xưởng đan là một điểm du khách tham quan khi đến với du lịch Thượng Yên Công nói riêng cũng như TP. Uông Bí nói chung.