Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sân khấu hóa tuyên truyền thông tin về giảm nghèo

PV - 17:00, 24/07/2019

Để góp phần giảm nghèo về thông tin ở vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tăng cường công tác tuyên truyền thông tin về giảm nghèo. Trong đó, chú trọng tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa thông qua các Hội thi tìm hiểu pháp luật tại các vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

 

Sân khấu hóa là hình thức được Ban Tổ chức được lựa chọn, làm điểm nhấn đem lại những giây phút hào hứng cho Hội thi tìm hiểu pháp luật. Sân khấu hóa là hình thức được Ban Tổ chức được lựa chọn, làm điểm nhấn đem lại những giây phút hào hứng cho Hội thi tìm hiểu pháp luật.

Gần đây nhất, trong tháng 7/2019, UBDT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật trong thực hiện truyền thông về giảm nghèo (gọi tắt là Hội thi) cho đồng bào các DTTS tỉnh Bình Thuận. Hội thi diễn ra từ ngày 24-26/7, thu hút sự tham gia của 6 đội đến từ các huyện: Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, mỗi đội thi có 16 thí sinh là cán bộ huyện, cán bộ làm công tác truyền thông về giảm nghèo cấp xã, cán bộ thôn, bản đại diện cho cộng đồng dân cư (Trưởng thôn, bản, Bí thư Chi bộ, Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Phụ nữ, Cựu chiến binh, Trưởng hoặc phó Ban Công tác Mặt trận), Người có uy tín trong đồng bào DTTS, người dân sản xuất giỏi.

Các đội dự thi trải qua 2 vòng thi: Vòng loại và vòng chung kết. Mỗi vòng có 4 phần thi: Màn chào hỏi (giới thiệu về địa phương, đơn vị mình, nêu rõ ý nghĩa kết quả giảm nghèo, triển khai công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin có ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương). Thi trắc nghiệm (bộ đề gồm 13 câu hỏi về chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững); Thi trả lời tình huống pháp luật (với 12 câu hỏi tình huống); Thi tiểu phẩm tuyên truyền chính sách, pháp luật theo chủ đề.

“Thông qua từng phần thi, các thí sinh mang đến Hội thi những tiểu phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình, với nội dung và hình thức thể hiện phong phú, sinh động, nhằm truyền tải nhiều quy định pháp luật gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc. Từ đó, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc”, ông Phan Hồng Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (UBDT) cho biết.

Để tạo nên sự hấp dẫn, mới lạ, Ban Tổ chức đã xây dựng Bộ câu hỏi về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các câu hỏi tập trung vào những chủ đề trọng tâm, như: mục tiêu tổng quát của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Những quy định về đối tượng thụ hưởng chính sách của Chương trình; Đóng góp của cộng đồng và người dân trong việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020…

Được biết, Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật trong thực hiện truyền thông về giảm nghèo tổ chức ở Bình Thuận chỉ là một trong số nhiều cuộc thi do UBDT tổ chức trong thời gian qua. Trong thời gian tới, UBDT sẽ tiếp tục triển khai các Hội thi tương tự để tăng cường giảm nghèo về thông tin tại các vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Ông Lý Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (UBDT) chia sẻ: Thông qua các Hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho đồng bào DTTS sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở về công tác giảm nghèo nói chung, giảm nghèo về thông tin nói riêng. Hội thi còn là diễn đàn để khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo; kịp thời phát hiện những cách làm hay, mô hình truyền thông hiệu quả, phù hợp để nhân rộng cho vùng DTTS và miền núi…

MINH THU