Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Samsung muốn đưa Việt Nam thành "trung tâm của các trung tâm" nghiên cứu và phát triển

PV - 18:15, 13/04/2023

Chiều 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Park Hark Kyu - Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung.

Samsung muốn đưa Việt Nam thành 'trung tâm của các trung tâm' nghiên cứu và phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh của Tổ hợp các Công ty Samsung tại Việt Nam với tiến độ giải ngân nhanh, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng, phát triển công nghệ hỗ trợ, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng chúc mừng Samsung đã hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2022, hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt đông Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội theo đúng cam kết.

Việt Nam và Hàn Quốc vừa thống nhất nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 5/12/2022 vừa qua, mở ra những cơ hội mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc nói chung cũng như giữa các doanh nghiệp hai nước nói riêng.

Thủ tướng tin tưởng và mong muốn, trên cơ sở nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, các kết quả hợp tác đã đạt được và sự tin cậy, chân thành, Samsung sẽ tiếp tục là một trong những ngọn cờ đầu thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước với thêm nhiều dự án mới mang tầm chiến lược, tiếp tục phát huy kết quả hoạt động kinh doanh và mở rộng hoạt động đầu tư, hướng đến những mục tiêu mới cao hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cùng đồng hành, lắng nghe, đối thoại, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, có các giải pháp phù hợp với tình hình, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Samsung đầu tư kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững tại Việt Nam với quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Tại buổi tiếp, ông Park Hark Kyu cảm ơn sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương, đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam; khẳng định Samsung cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Samsung xác định Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu, mà còn hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành "trung tâm của các trung tâm" nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu của Tập đoàn.

Samsung muốn đưa Việt Nam thành 'trung tâm của các trung tâm' nghiên cứu và phát triển - Ảnh 2.

Thủ tướng tin tưởng và mong muốn, Samsung sẽ tiếp tục là một trong những ngọn cờ đầu thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông cũng cho biết Tập đoàn đã đạt nhiều kết quả và sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng khi dự lễ khánh thành Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội về các giải pháp đào tạo nhân lực để có nhiều hơn nữa người Việt Nam tham gia đội ngũ lãnh đạo Samsung Việt Nam, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, giá trị sản xuất nội địa và đẩy mạnh hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam.

Đến nay, có hơn 2.000 kỹ sư đang làm việc tại Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội; số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.

Ngoài ra, ông Park Hark Kyu đề xuất với Thủ tướng một số nội dung về việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm "made in Việt Nam".

Tổng giám đốc Park Hark Kyu và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã trao đổi về các vấn đề, như thuế tối thiểu toàn cầu, dự báo về tình hình kinh tế ở các nước…

Ghi nhận, đánh giá cao các đề xuất của Samsung, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã thành lập tổ công tác đặc biệt để nghiên cứu, phân tích, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động, tiếp tục lắng nghe ý kiến của các bên, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan, sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có giải pháp phù hợp, tối ưu nhất, thích ứng tình hình, bảo đảm công khai minh bạch, môi trường đầu tư cạnh tranh, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa các bên.