Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sắc Xuân ở làng nghề Quảng Phú Cầu

Chí Tín - Vũ Mừng - 05:42, 22/01/2024

Quảng Phú Cầu từ lâu đã được biết đến với những làng nghề làm tăm hương truyền thống. Ghé thăm Quảng Phú Cầu vào bất kể thời điểm nào trong năm, người ta luôn ấn tượng với gam màu sặc sỡ ánh vàng lung linh của nắng, hòa với màu xanh cây cỏ, hòa quyện cùng sắc đỏ chân hương, đặc biệt nhất là những tháng cận kề Tết Nguyên đán. Điều này đã tạo nên sự khác biệt cho Quảng Phú Cầu mà rất khó có thể nhìn thấy được ở một miền quê nào khác!

Nét riêng làng nghề

Những bó chân hương được người dân Quảng Phú Cầu hong dưới nắng
Những bó chân hương được người dân Quảng Phú Cầu hong dưới nắng

Từ xa xưa, nén hương đã đi vào đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, thiêng liêng mà gần gũi. Trên khắp 3 miền đất nước, vẫn có nhiều ngôi làng làm hương cổ truyền, với những người thợ cần mẫn, miệt mài, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hoá ấy! Trong số đó, nổi tiếng và phát triển hơn cả có lẽ là nghề làm tăm hương xuất khẩu ở xã Quảng Phú Cầu, thuộc huyện Ứng Hòa, cách trung tâm Thành phố Hà Nội chừng 40km.

Ghé thăm Quảng Phú Cầu vào bất kể thời điểm nào trong năm, người ta luôn bắt gặp ánh vàng rung rinh của nắng, hòa với màu xanh hoa cỏ, quyện lại cùng sắc đỏ chân hương. Điều này đã tạo cho Quảng Phú Cầu “chất thơ” mà rất khó có thể tìm được ở một miền quê nào khác!

Nghề làm tăm hương có mặt ở mảnh đất này trên 100 năm, ban đầu tập trung chủ yếu ở thôn Phú Lương Thượng với mô hình nhỏ lẻ. Nhưng vài chục năm trở lại đây, khi thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản phẩm được xuất khẩu, nghề này đã phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lao động, khắp 6 thôn trong xã Quảng Phú Cầu.

Những cây nứa, cây vầu chuyển về từ các tỉnh như: Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn…sau đó sẽ được người Quảng Phú Cầu đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín”, rồi vớt lên, rửa sạch. Với sự hỗ trợ của máy móc sẽ tạo ra những chiếc tăm hương tròn đều đúng theo kích cỡ mà người làm cần. Làm tăm hương là công đoạn đầu tiên nhưng lại cực kỳ quan trọng, bởi nó quyết định sự hoàn thiện cả về chất lượng và mẫu mã của sản phẩm.

Những gam màu sặc sỡ của chân hương trở thành hình ảnh đặc trưng của các làng nghề tại Quảng Phú Cầu
Những gam màu sặc sỡ của chân hương trở thành hình ảnh đặc trưng của các làng nghề tại Quảng Phú Cầu

Sau khi được nhuộm đỏ, nhuộm hồng người Quảng Phú Cầu phơi cho tăm hương thật khô, đây cũng chính là lúc quang cảnh cả một miền quê ven bờ sông Nhuệ trở nên lung linh, sống động. Chúng giống như những bông hoa nở hai bên đường đi, đua nhau khoe sắc trên những bờ rào đầy nắng, rồi có giây phút lại bất chợt nở bung trên tay các mẹ, các chị theo mỗi đường xòe... 

Tất cả những điều đó, rất dễ khiến người ta “phải lòng” với mảnh đất này, giống như Manan Vatsyayana- một phóng viên người Ấn Độ từng chia sẻ: “Những thảm hương được đặt khắp nơi. Điều thực sự gây ấn tượng đối với tôi chính là màu sắc. Tôi đã được thấy nhang cháy hàng ngàn lần trước đây, mùi hương chính là điều còn đọng lại trong tâm trí”.

Và rồi lúc mặt trời tắt nắng tất cả người dân lại túa ra thu gom, đóng kiện và giao cho thương lái. Làm tăm hương cần có sự tỉ mỉ, khéo léo cũng như kiên nhẫn thì mới có thể theo nghề lâu dài được. Trải qua những biến động, thăm trầm của thời gian, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành sản phẩm đặc trưng của mảnh đất này.

Rộn ràng không khí Tết

Ở Quảng Phú Cầu những ngày này không chỉ có mùi nồng nồng, ngai ngái của tre nứa, người ta còn dễ dàng nhận ra hương thơm thoang thoảng của những loại thảo mộc dùng để se hương. Người làm nghề bảo đấy là mùi của Tết! Được se từ những nguyên liệu tự nhiên không dùng hóa chất, nên hương thành phẩm của Quảng Phú Cầu cũng rất nổi tiếng và luôn có chỗ đứng trên thị trường.

Chị Hoàng Thu Thuỷ, người dân địa phương chia sẻ: “Chỉ mong nghề làm tăm hương phát triển hơn, để tạo ra việc làm ổn định cũng như tạo nguồn thu nhập cho các gia đình chăm lo con em học hành”. 

Còn đối với anh Nguyễn Chí Bảo, chủ cơ sở sản xuất Bảo Hương kể: “Những tháng giáp Tết cả làng bận lắm! Với nơi khác thế nào không biết nhưng ở Quảng Phú Cầu, Tết đã bắt đầu từ bây giờ rồi. Dịp này toàn bộ hàng đang làm, đều dành tiêu thụ vào khoảng thời gian Tết. Nhà ít thì ngày làm tới 7- 800kg tăm hương, nhà nhiều thì lên đến vài tấn”.

Theo ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, ngay từ năm 2020, hưởng ứng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của UBND huyện Ứng Hòa, HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu mạnh dạn tham gia với 3 sản phẩm: Hương nén, hương vòng, hương nụ Thủy Xuân Tiên, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất tại Quảng Phú Cầu đã tiếp cận với những đơn hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Ấn Độ, Trung Quốc…

 Bên cạnh đó, UBND xã đã hỗ trợ kết nối, xúc tiến sản phẩm làng nghề thông qua các kỳ hội chợ thương mại, triễn lãm để các chủ thể có cơ hội trưng bày, giới thiệu sản phẩm và mở rộng cơ hội hợp tác.

Sản phẩm sẵn sàng tới các cơ sở sản xuất tăm hương trên cả nước
Sản phẩm tăm hương của làng nghề Quảng Phú Cầu

Từ chỗ chỉ là nghề phụ, người nông dân tranh thủ làm tăm hương khi nhàn rỗi. Hiện nay, nghề tăm hương phát triển mạnh, trở thành nghề chính, mang lại thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân. Ngoài làm tăm hương, người dân còn làm tăm tre, que xiên, chổi tre… phục vụ nhu cầu thị trường. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống nâng lên.

Rời Quảng Phú Cầu khi đã chiều muộn, thế nhưng chúng tôi vẫn thấy hai bên đường người dân còn đang miệt mài với công việc của mình. Trong tiếng máy tiện, máy cưa, những chiếc xe cải tiến chở nguyên vật liệu, và thành phẩm vẫn hối hả nối đuôi nhau tiến ra đường quốc lộ. Dù rằng Tết Nguyên đán vẫn chưa về, thế nhưng xuân đã "nở đỏ" ở  Quảng Phú Cầu.