Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sa Pa - Nơi gặp gỡ đất trời

Uyển Nhi - 09:09, 12/07/2022

Tọa lạc trên sườn núi cao 1.500–1.600m so với mực nước biển, Sa Pa (Lào Cai) được ví là “nơi gặp gỡ giữa trời và đất” với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng khí hậu ôn đới mát mẻ dễ chịu. Đây cũng là nơi hội tụ của 6 dân tộc sinh sống lâu đời gồm: Kinh, Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó. Trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 50% dân số. Các dân tộc nơi đây có đời sống văn hóa phong phú tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho những ai muốn khám phá vùng đất này.

 Sa Pa - Nơi gặp gỡ giữa trời và đất

Thời điểm ghé thăm Sa Pa

Bạn có thể du lịch Sa Pa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng Sa Pa đẹp nhất vào 3 thời điểm sau:

Tháng 4 - 5 là mùa cấy lúa, hay còn gọi là mùa nước đổ. Lúc này khắp các thửa ruộng bậc thang sẽ ngập tràn màu lúa non xanh mơn mởn. Đến đây vào thời điểm này bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh ánh nắng mặt trời phản chiếu lấp lánh xuống ruộng lúa nước nên thơ vô cùng.

Tháng 9 – 10 là mùa lúa chín, khi ấy Sa Pa như được khoác chiếc áo vàng rực rỡ, óng ả và thời tiết bắt đầu dần trở lạnh.

Tháng 11 đến tháng 3 năm sau: Là thời điểm vào Xuân muôn hoa đua nở, từ hoa mận, hoa đào, hoa tam giác mạch…tất cả đều nở rợp một góc trời, tạo nên khung ảnh hêt sức thơ mộng. Vào thời điểm này nếu may mắn bạn còn thể còn được "săn" tuyết, băng giá trên những đỉnh núi.

Nếu bạn yêu thích các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng dân tộc thiểu số nơi đây bạn có thể ghé thăm vào các dịp đầu Xuân như: Hội roóng pọc của người Giáy; Lễ hội xuống đồng đầu Xuân của đồng bào dân tộc Tày, Hội sải sán (đạp núi) của người Mông; Lễ tết nhảy của người Dao….

 Sa Pa - Nơi gặp gỡ giữa trời và đất 1

Phương tiện đi lại

Sa Pa cách Hà Nội 376km, bạn có thể đến Sa Pa bằng xe khách, tàu hoả và các phương tiện cá nhân khác.

Nếu đi xe khách, bạn có thể đặt xe limousine Hà Nội - Sa Pa hoặc xe khách từ bến Mỹ Đình đến Sa Pa. Thời gian di chuyển khoảng 5 - 6 tiếng.

Nếu đi tàu hỏa, chuyến Hà Nội - Lào Cai, sau khoảng 7 - 9 tiếng di chuyển bạn sẽ đến Lào Cai, sau đó tiếp tục đón xe bus hoặc bắt taxi lên trung tâm Sa Pa.

Nếu tự lái ôtô, bạn đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tiếp đó rẽ sang quốc lộ 4D để lên Sa Pa.

 Sa Pa - Nơi gặp gỡ giữa trời và đất 2

Địa điểm lưu trú

Sa Pa có đủ loại hình lưu trú cho bạn chọn: từ nhà nghỉ, homestay ở bản, khách sạn 2-4 sao, cho tới các khách sạn 4-5 sao, resort cao cấp.

Một số resort bạn có thể trải nghiệm là Silk Path Grand Sapa and Spa, Victoria Sapa Resort and Spa, Pistachio Hotel Sapa....

Khách sạn 2-5 sao ở Sa Pa rất nhiều, tập trung ở khu vực trung tâm nên rất thuận tiện cho việc vui chơi, tham quan như: Pao's Sapa, Sapa Stunning View Hotel, Mường Hoa View Hotel, Golden Town Hotel...

Nếu thích cảm giác được hòa mình vào đời sống sinh hoạt và văn hóa độc đáo của người dân nơi đây bạn có thể lựa chọn ở một số homestay như: Yen’s House Sapa, Po’s Homestay, Little View Homestay, Eco Palms House, Heaven Sapa, Viettrekking, Phơri's House, Sapa Heavenly, Rock Garden…

Sa Pa - Nơi gặp gỡ đất trời 3

Những điểm tham quan nổi tiếng tại Sa Pa

Nhà thờ Đá: Nhà thờ đá Sa Pa xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến Sa Pa.

Chợ tình Sa Pa: Chợ tình là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao Lào Cai. Chợ tình Sa Pa được diễn ra đều đặn vào thứ 7 hàng tuần tại khu vực quảng trường trước Nhà Thờ Đá. Cứ tầm 6 - 7h tối thứ 7, du khách đang có dịp du lịch ở Sa Pa có thể ghé qua khu nhà thờ, quảng trường để có thể tận mắt tham gia những hoạt động của chợ tình Sapa nổi tiếng. Nét đẹp và độc đáo của chợ tình Sa Pa là những chàng trai, cô gái Mông đến đây để tìm bạn tình. Con trai thổi khèn lá tìm bạn gái, nếu con gái ưng thì đến gần, con trai thổi tiếp, con gái thật ưng cái bụng thì con trai dắt con gái đi tâm sự ở ven sườn đồi hoặc một nơi nào đó chỉ có đất, trời và tình yêu họ dành cho nhau bằng những lời thề non hẹn biển.

 Sa Pa - Nơi gặp gỡ giữa trời và đất 3


Đỉnh Fansipan- nóc nhà Đông Dương: Còn gì tuyệt vời hơn khi được đứng ở độ cao 3143m, vươn vai hít thở bầu không khí trên cao, tận hưởng cảm giác như chạm vào mây và phóng tầm mắt xuống bức tranh Sa Pa toàn cảnh bên dưới.

Núi Hàm Rồng: Với phong cảnh huyền ảo, từ trên đỉnh núi, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng của thị trấn Sa Pa như thung lũng Mường Hoa, bản Tả Van, bản Cát Cát...

Đèo Ô Quý Hồ: Nằm trên con đường nối liền thị trấn Sapa với tỉnh Lai Châu, đèo Ô Qúy Hồ được biết đến là một trong Tứ đại đỉnh đèo của miền núi phía Bắc. Con đường đèo uốn cong mềm mại được bao phủ bởi núi đồi xanh ngắt, nếu đứng trên đỉnh đèo bạn có thể ngắm trọn núi rừng đại ngàn Tây Bắc với mây trắng bồng bềnh trôi mà ngỡ như mình đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh vậy.

Bản Cát Cát: Cách trung tâm Sa Pa khoảng 2km, bản Cát Cát là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông. Bản được bao bọc bởi núi rừng, với dòng suối chảy rì rào giữa bản. Dạo quanh bản, không khó để bạn bắt gặp những cô gái dân tộc Mông ngồi dệt vải, thêu thùa, khâu vá, tạo nên một khung cảnh thanh bình, thơ mộng hòa quyện giữa cảnh sắc và con người nơi đây.

Lao Chải - Tả Van: Cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 7km, là nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số Mông, Dao, Giáy, Tày… Đây là một trong những bản vẫn giữ được gần như nguyên vẹn văn hóa sinh hoạt truyền thống, tạo nên nét đẹp rất riêng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Sa Pa - Nơi gặp gỡ đất trời 5

Bản Tà Phìn: Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề dệt thổ cẩm. Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn với nhiều nhũ đá kỳ thú.

Bản Sín Chải: Là nơi sinh sống của người Mông, đây là bản làng vẫn còn giữ được nét hoang sơ. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng việc trồng lúa nương, ngô lai và trồng thêm thảo quả để có thêm thu nhập.

Thung lũng Mường Hoa - Bãi đá cổ: Thung lũng Mường Hoa xinh đẹp ẩn chứa trong mình những bí ẩn chưa được giải đáp, dưới hình hài 150 tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, ký tự cổ xưa kỳ lạ, tới nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa.

Chợ phiên Sa Pa: Là trung tâm mua bán của Sa Pa, vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần người Mông, người Dao đến đây bày bán sản vật địa phương như măng, táo mèo, thổ cẩm và các sản vật được hái lượm trên nương đồi, núi rừng…để bán. Chợ phiên Sa Pa còn là nơi gặp gỡ hẹn hò của nam thanh nữ tú qua tiếng hát, tiếng sáo,…

 Sa Pa - Nơi gặp gỡ giữa trời và đất 5

Đặc sản Sa Pa

Bên cạnh việc chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên trữ tình của Sa Pa, bạn đừng quên thử những món ăn địa phương độc đáo như: Cá hồi, cá tầm tươi, lợn cắp nách, gà đen, thắng cố, rau tươi xứ lạnh, cá suối nướng và nấm hương, bánh ngô, bánh đao, bánh dày, đậu xị, măng chua, nhái nấu rau... hoặc cùng nhau thưởng thức đồ nướng thơm phức vào ban đêm ở trung tâm Sa Pa.

Ngoài ra, bạn có thể mua những đặc sản của Sa Pa như rượu táo mèo, rượu ngô, bánh hạt dẻ…hay những món quà trang sức, thổ cẩm cùng những đặc sản như nấm hương, thịt sấy, rau xanh… về làm quà cho bạn bè và người thân.

 Sa Pa - Nơi gặp gỡ giữa trời và đất 6

Bạn cần chuẩn bị những gì khi đến Sa Pa?

Vì thời tiết ở Sa Pa khá lạnh, nhất là về đêm nhiệt độ xuống thấp nên bạn cần chuẩn bị sẵn quần áo ấm, mũ, khăn, bít tất… nên mang các loại giày đế thấp, giày thể thao để việc di chuyển của bạn được thuận lợi.

Với những bạn đam mê checkin thì điện thoại, sạc pin, máy ảnh… là những thứ không thể thiếu trong chuyến du lịch của bạn.

Nếu bạn đang có kế hoạch lựa chọn Sa Pa cho chuyến vi vu sắp tới của mình thì hãy tham khảo những thông tin của chúng tôi. Chúc các bạn có những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi đến với Sa Pa./.