Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Rừng phòng hộ Bà Đà bị tàn phá

PV - 14:07, 07/05/2018

Sự buông lỏng công tác, quản lý bảo vệ đã khiến hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn Bà Đà tại xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Người dân nơi đây hết sức bức xúc và đặt ra nhiều nghi vấn, có hay không sự bao che cho các đối tượng phá rừng của lực lượng chức năng?

Theo phản ánh của nhiều người dân xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, thời gian qua, rừng phòng hộ đầu nguồn Bà Đà bị nhiều đối tượng khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng một cách ngang nhiên, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như gây bức xúc cho dư luận.

Nhiều diện tích rừng Bà Đà trước đây nay đã biến thành đồi trọc. Nhiều diện tích rừng Bà Đà trước đây nay đã biến thành đồi trọc.

 

Qua tìm hiểu và thị sát hiện trường, thì những phản ánh bức xúc của người dân ở đây là có cơ sở. Để khai thác được gỗ ở rừng, các đối tượng đã dùng máy móc san ủi mở đường để vào sâu phía trong.

Điều dễ nhận thấy là, hai bên con đường này còn ngổn ngang những cành cây vừa mới bị chặt hạ, nhiều khu rừng ở đây đã trở thành đồi trọc hoặc đã được trồng keo hoặc tràm.

Ông Đinh N. (xin dấu tên) một người dân ở xã Mai Hóa cho biết: Khu vực trước nhà ông về hướng Tây là rừng phòng hộ đầu nguồn, người dân chúng tôi ý thức được nên không ai vào rừng để khai thác gỗ cả. Nhưng không hiểu tại sao, thời gian qua xuất hiện nhiều người ở địa phương khác vào đây mở đường. Từ năm ngoái trở lại đây, diện tích rừng phòng hộ đã bị thu hẹp cả trăm ha, cứ như thế này chắc cũng chỉ ít năm nữa là rừng phòng hộ sẽ hết.

Theo nhiều hộ dân ở xã Mai Hóa, lý do rừng Bà Đà bị chặt phá là một số hộ dân được chính quyền xã cho chuyển một số diện tích sang trồng rừng sản xuất. Lợi dụng việc này các đối tượng đã cho máy san ủi đường vào sâu phía trong để khai thác gỗ và củi đem về bán. Điều đáng nói là, nhiều diện tích rừng phòng hộ Bà Đà đang bị xâm hại nghiêm trọng. Thế nhưng, đã hơn 1 năm nay, không thấy bóng dáng của chính quyền và lực lượng chức năng đến xử lý.

Vấn đề này được ông Trần Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Mai Hóa lý giải rằng: Do địa phương không có đủ nhân lực để đi kiểm tra hằng ngày. “Trước đây giao rừng không rõ ràng, mốc không cụ thể nên khó quản lý. Ngày đó, dân cũng không quan tâm lắm, vì xa nên xã giao không ai nhận, xã phải quản lý hơn 500ha rừng này.

Tuy nhiên, từ trước Tết Nguyên đán 2018 xuất hiện những con đường được mở vào để chặt, xẻ và vận chuyển gỗ. Xã đã lập biên bản xử lý các đối tượng vi phạm hành chính; thậm chí có đối tượng sẽ yêu cầu khởi tố. Riêng các hộ đã tự ý vào đất rừng để trồng keo, xã phát trên loa phóng thanh yêu cầu đến làm việc với xã, nếu không thì sắp tới xã sẽ thành lập đoàn vào cưỡng chế bằng cách nhổ cây trồng vào đất rừng đã vi phạm.

Ông Giáo cũng cho rằng, diện tích rừng bị xâm hại khoảng vài ha, thế nhưng theo quan sát bằng mắt thường cũng dễ nhìn thấy, hàng chục quả đồi với diện tích vài chục ha trước đây là rừng nguyên sinh giờ đã trở thành đồi trọc hoặc đồi keo, tràm..

Theo ông Hồ Ngọc Danh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa, cho rằng: Diện tích được người dân khai thác là ở Mai Hóa là loại đất để trồng rừng chứ không phải rừng. Hiện nay, chúng tôi mới chỉ nghe kiểm lâm địa bàn báo lên là có 3 vụ vi phạm đã lập biên bản, còn diện tích bao nhiêu thì chúng tôi đang chờ báo cáo cụ thể từ kiểm lâm địa bàn. Cũng do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên công tác bảo vệ rừng gặp khó khăn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền các xã có rừng, tăng cường lực lượng để kiểm tra và bảo vệ. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm…

Bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn là vấn đề quan trọng, không chỉ đảm bảo cuộc sống môi sinh mà còn góp phần hạn chế tình trạng lũ lụt và hạn hán nhằm đem lại cuộc sống an toàn hơn cho người dân. Vì vậy, đề nghị chính quyền và các ngành chức năng ở huyện Tuyên Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung cần khẩn trương vào cuộc có những biện pháp để bảo vệ rừng phòng hộ Bà Đà không bị tiếp tục xâm phạm.

DƯƠNG TUYẾT