Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Rộn ràng lễ hội đầu Xuân mới

Hồng Phúc - 09:46, 24/01/2023

Mùa Xuân là mùa của lễ hội. Bước sang đầu Xuân năm mới 2023, khắp các vùng quê trên đất nước Việt Nam bắt đầu bước vào mùa lễ hội rộn ràng, sôi nổi, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự, trẩy hội.

Hội chọi bò lần thứ VII diễn ra tại sân vận động huyện Điện Biên Đông
Hội chọi bò lần thứ VII diễn ra tại sân vận động huyện Điện Biên Đông

Điện Biên Đông Khai hội Xuân Quý Mão

Trong không khí tưng bừng phấn khởi những ngày đầu năm mới, sáng 23/1 (tức mùng 2 Tết Quý Mão), UBND huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) tổ chức Hội Xuân Quý Mão năm 2023.

Hội Xuân năm 2023 tại huyện Điện Biên Đông có nhiều hoạt động sôi nổi, mang đậm nét văn hóa của người vùng cao, như: Thi trình diễn trang phục dân tộc, biểu diễn khèn Mông, gói bánh chưng, giã bánh dày; không gian trưng bày nét văn hóa các dân tộc; không gian chụp ảnh lưu niệm của du khách; giao lưu ca, múa, nhạc, dân ca, dân vũ; giao lưu các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian... mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023. Đây là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên, nhằm giới thiệu, quảng bá mảnh đất và con người Điện Biên Đông đến với du khách gần xa.

Một trận đấu bò tại Hội Xuân năm 2023
Một trận đấu bò tại Hội Xuân năm 2023

Trong ngày khai hội, nội dung mở màn là thi đấu bò truyền thống với sự có mặt của trên 20.000 khán giả tới xem, cổ vũ. Hội thi đấu bò truyền thống năm nay có 50 bò chọi của các chủ bò đến từ các xã trên địa bàn huyện. Bò chọi theo cặp loại trực tiếp.

Các hoạt động vui Xuân diễn ra đến hết ngày mùng 4 Tết âm lịch.

Lễ hội đua thuyền trên sông Yên

Sáng mùng 2 Tết Nguyên đán, trên sông Yên xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) tưng bừng diễn ra với Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Xuân. Lễ hội diễn ra với những màn tranh tài sôi nổi, trong sự cổ vũ hò reo của hàng nghìn người dân địa phương và các xã lân cận. Trong tiếng trống khai hội, tiếng reo hò, cổ vũ của người dân, những chiếc thuyền đua rẽ sóng lao về phía trước mang theo niềm cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, công việc may mắn của ngư dân miền biển.

Một đội đua thuyền trên sông Yên
Một đội đua thuyền trên sông Yên

Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Quảng Nham mang đậm sắc thái văn hóa của ngư dân vùng biển xứ Thanh. Theo quan niệm, việc tổ chức lễ hội đua thuyền đầu năm sẽ mang lại sự may mắn cho ngư dân có một năm thuận buồm xuôi gió, khai thác hải sản bội thu.

Giải năm nay diễn ra trong 4 ngày từ 23 - 26/1 (mùng 2 đến mùng 5 Tết Quý Mão). Các tay đua đều được chọn là những trai tráng khỏe mạnh, nhiều kinh nghiệm đi biển.

Giải quy tụ 12 đội đến từ 13 thôn trong xã. Mỗi đội đua có 21 người gồm 18 tay chèo, 1 tay lái, 1 đánh mõ và 1 tát nước. Đây là những chàng trai giỏi nghề sông nước được các thôn tuyển chọn để tham gia thi đấu.

Tất cả các đội đều có quá trình chuẩn bị chu đáo từ thuyền rồng, mái chèo cho tới lực lượng là những tay chèo khỏe mạnh, lực lưỡng và khéo léo nhất. Các đội phải trải qua vòng đấu bảng, sau đó mới tới vòng đấu loại trực tiếp và chung kết vào mùng 5 Tết.

Giải quy tụ 12 đội đến từ 13 thôn trong xã. Mỗi đội đua có 21 người gồm 18 tay chèo, 1 tay lái, 1 đánh mõ và 1 tát nước.
Giải quy tụ 12 đội đến từ 13 thôn trong xã. Mỗi đội đua có 21 người gồm 18 tay chèo, 1 tay lái, 1 đánh mõ và 1 tát nước.

Từ lâu, ngày hội đua thuyền đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa thể thao truyền thống ở xã Quảng Nham trong những ngày đầu năm, như một món ăn tinh thần của những ngày đón Xuân, mừng ngày thành lập Đảng.

Dòng sông Yên ngày mùng 2 Tết như thay một diện mạo mới rực rỡ và lộng lẫy hơn. Sau hồi trống khai hội, cuộc đua bắt đầu, các thuyền đua sắp hàng ngang chờ hiệu lệnh xuất phát. Pháo hiệu nổ, các thuyền đua hè nhau xé nước nhắm cọc tiêu băng băng lướt tới.

Giải đua thuyền thu hút hàng trăm người dân đứng dọc hai bờ sông Yên để theo dõi, cỗ vũ cho các thuyền đua, các tay chèo.Trên làn nước xanh, các “ngư thủ” loang loáng những mái dầm, giành nhau từng lợi thế, thể hiện tài trí và nghệ thuật đua, mà quanh năm suốt tháng họ lênh đênh trên biển khơi để khai thác, đánh bắt hải sản.

Đây là dịp để các “ngư thủ” phô tài và cũng là dịp thể hiện sức mạnh cuộc tranh tài trước khi chuẩn bị cho một năm xa khơi bám biển.

Với người dân xã Quảng Nham, lễ hội đua thuyền là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Bởi lẽ, lễ hội đua thuyền truyền thống vốn là một trong những nét văn hóa độc đáo, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của ngư dân Quảng Nham từ bấy lâu nay. Môn thể thao này được khơi nguồn từ chính cuộc sống hàng ngày của ngư dân miền biển xứ Thanh.

Theo quan niệm, giải đua thuyền truyền thống xã Quảng Nham được tổ chức hằng năm với ước vọng khởi đầu một năm mới làm ăn mưa thuận, gió hòa, đem về ấm no hạnh phúc, và cũng là để nối tiếp truyền thống của ông cha đã để lại.

Trong tiếng hò reo cổ vũ nhiệt tình của khán giả, các đội đua ra sức tranh tài tạo nên không khí náo nhiệt khuấy động cả một khúc sông Yên. Trên gương mặt của đông đảo người dân, du khách họ hiện rõ sự rạng rỡ lẫn ngạc nhiên, thích thú, điều đó tạo thêm động lực để mỗi người dân hướng đến những vụ biển khấm khá, bội thu.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty

Chiều 23/1 (mùng 2 Tết Quý Mão 2023), Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty (Bình Thuận) thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến xem và cổ vũ.

Lễ hội đua thuyền trên sông Cà Ty năm nay diễn ra trong bối cảnh Bình Thuận được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chấp thuận đăng cai Năm du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận hội tụ xanh.

Các thuyền đua đang tranh tài cự ly 500 m
Các thuyền đua đang tranh tài cự ly 500 m

Tham dự cuộc đua thuyền truyền thống năm nay có 9 đội thuyền đua thuộc các phường, xã có biển của Tp. Phan Thiết. Các đội đua gồm Lạc Đạo, Đức Thắng, Phú Tài, Mũi Né, Phú Hài, Đức Long, Đức Nghĩa, Bình Hưng và Phú Trinh.

Cuộc đua thuyền trên sông Cà Ty có hai cự ly là 500 m và 1.700 m, chia làm 2 vòng đấu là vòng loại và chung kết.

Ở cự ly ngắn 500 m, sau 3 vòng đua, các thuyền đua của phường Đức Long, Phú Tài và Lạc Đạo vào chung kết. Kết quả chung cuộc, thuyền đua của đội phường Lạc Đạo giành giải Nhất, phường Đức Long giải Nhì và phường Phú Tài giải Ba.

Đường đua cự ly dài 1.700 m khá gay cấn vì năm nay gió mạnh. Khó khăn nhất của các thuyền đua là khi qua cọc tiêu, khúc cua ngay bên dưới cầu Trần Hưng Đạo gió mạnh, rất dễ lật thuyền nếu như kỹ thuật đánh lái của người cầm lái con thuyền đua không vững và không đúng kỹ thuật.

Sau 3 vòng đua ở cự ly dài 1.700 m, các thuyền đua của phường Phú Tài, Đức Long và Phú Trinh vào vòng chung kết. Kết quả chung cuộc, thuyền đua của phường Phú Tài giành giải Nhất, phường Đức Long giải Nhì và phường Phú Trinh giải Ba.