Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Rõ dần mức tham chiếu làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

Khánh Thư - 07:40, 29/05/2024

Không còn “mức lương cơ sở” là định hướng quan trọng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Để phù hợp với định hướng này, việc sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) khi không còn “mức lương cơ sở”, là hết sức cần thiết.

(Chuyên đề) Rõ dần mức tham chiếu làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
Quốc hội khóa XV cho ý kiến về dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7

Ngày 27/5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã tập trung thảo luận về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Một trong những nội dung sửa đổi nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là căn cứ để đóng BHXH khi xây dựng, thực hiện chính sách tiền lương mới theo định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn ĐBQH Thái Bình) cho biết, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách tiền lương, mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ. Khi mức lương cơ sở không còn thì không còn căn cứ để tính lương hưu, trợ cấp, các chế độ BHXH khác.

“Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu. Do đó, vấn đề này cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo”.
Nguyễn Thúy Anh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Thực tế, khi xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ đã đề xuất phương án làm căn cứ để đóng BHXH khi không còn mức lương cơ sở. Và phương án này được Chính phủ điều chỉnh theo góp ý của các ĐBQH, các chuyên gia về chính sách tiền lương, BHXH.

Trong Tờ trình số 527/TTr-CP ngày 10/10/2023 về Dự án luật BHXH (sửa đổi), để phù hợp với định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sửa đổi các trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành); đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH (Điều 43, 56, 59, 85...).

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh lý dự thảo luật BHXH sửa đổi, qua nhiều lần đề nghị, ngày 15/5/2024, Chính phủ đề xuất thay “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu” trong dự thảo luật. Theo đó, mức tham chiếu tính BHXH được tính bằng 1.800.000 đồng từ ngày 1/7/2024 thay thế cho mức lương cơ sở để thực hiện BHXH.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (đoàn ĐBQH Bạc Liêu), việc sử dụng, cũng như chính sách liên quan đến Quỹ BHXH là vấn đề rất lớn. Từ ngày 01/07/2024, tiền lương đã có sự thay đổi căn bản và không rõ “mức tham chiếu" thay cho mức lương cơ sở sẽ được xây dựng và tổ chức thực hiện như thế nào.

(Chuyên đề) Rõ dần mức tham chiếu làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội 2
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (đoàn ĐBQH Bạc Liêu) nêu ý kiến tại nghị trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi)

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Gần đây nhất, Chính phủ đã có Báo cáo số 286/BC-CP ngày 25/5/2024 đề xuất các nội dung liên quan trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do tác động của chính sách tiền lương mới. Đây là tài liệu phục vụ Quốc hội thảo luận tại hội trường trong cả ngày 27/5 về dự thảo Luật.

Trong Báo cáo số 286/BC-CP, Chính phủ nêu rõ, việc sử dụng mức tham chiếu thay thế cho mức lương cơ sở, để đảm bảo tương quan, phù hợp với dự kiến phương án cải cách tiền lương mà Ban Chỉ đạo đã thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền, đề nghị thể hiện khái niệm “mức tham chiếu” tại Khoản 12, Điều 4 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kèm theo văn bản số 840/BC-UBTVQH15 ngày 19/05/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH trong Luật này. Mức tham chiếu được tính bằng mức lương cơ sở, khi bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản 1, Điều 89 Luật BHXH năm 2014, Chính phủ đề nghị giữ như nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình 527/TTr-CP ngày 10/10/2023 tương ứng với Điểm a, Khoản 1, Điều 30 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kèm theo văn bản số 840/BC-UBTVQH15 ngày 19/05/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Liên quan đến căn cứ đóng BHXH, do đây là nội dung mới được đặt ra, khi thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đánh giá tác động, đồng thời nghiên cứu xây dựng một số nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu để thực hiện từ ngày 01/7/2024, khi cải cách tiền lương, cũng như khi Luật có hiệu lực. Đồng thời rà soát bổ sung đầy đủ quy định điều khoản chuyển tiếp trong các chính sách pháp luật có liên quan đến "mức lương cơ sở" sẽ bị bãi bỏ từ ngày 01/07/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương. Từ đó, sẽ trình ban hành quy định mới theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.