Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

Minh Thu - 08:38, 30/07/2024

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người (MBN) có những diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng, chủ công là lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, từng bước ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của tội phạm MBN.


Cán bộ BĐBP Đắk Lắk tuyên truyền cho người dân ở khu vực biên giới nâng cao cảnh giác, nắm được các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm mua bán người. Ảnh: Ngọc Lâm.
Cán bộ BĐBP Đắk Lắk tuyên truyền cho người dân ở khu vực biên giới nâng cao cảnh giác, nắm được các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm mua bán người. Ảnh: Ngọc Lâm.

Tăng cường phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN

Thời gian qua, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai phối hợp toàn diện, thực chất công tác đấu tranh phòng chống tội phạm MBN trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Trong đó, phối hợp xác lập, đấu tranh, triệt phá nhiều chuyên án, vụ án MBN liên tỉnh, xuyên quốc gia; xác minh, giải cứu nhiều nạn nhân bị mua bán.

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống MBN nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống MBN, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Điều ước quốc tế liên quan vấn đề phòng chống MBN, nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống MBN trong tình hình mới.

Thiếu tướng Phạm Công NguyênCục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an

Từ năm 2023 đến nay, hai lực lượng đã trao đổi trên 400 thông tin liên quan đến tội phạm MBN (trong đó, 6 tháng đầu năm, hai bên đã trao đổi 333 thông tin, tình hình liên quan, tạo nguồn xác lập chuyên án chung, điều tra cơ bản tuyến, chuyên đề về MBN). Đã chỉ đạo nghiệp vụ phối hợp điều tra xử lý 29 vụ với 59 đối tượng, 56 nạn nhân. Tại các địa phương, đã tiếp nhận 239 vụ với 4.488 công dân, phát hiện ngăn chặn 818 vụ với 3.774 công dân xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc. Qua công tác phân loại, sàng lọc, phát hiện 115 người bị nghi mua bán; khởi tố 106 vụ252 đối tượng phạm tội MBN…

Điển hình, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp xác lập, đấu tranh chuyên án triệt phá đường dây mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia từ Huế, Hà Nội lên Lào Cai sang Trung Quốc. Thông qua công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng trinh sát phát hiện hoạt động MBN dưới 16 tuổi và môi giới mại dâm núp bóng massage, karaoke... do nhiều đối tượng điều hành trong một thời gian dài tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, giải cứu 3 nạn nhân.


Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tại Hà Nội phối hợp với BĐBP Hà Tĩnh giải cứu thành công 5 công dân Việt Nam bị lừa bán ra nước ngoài tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: Thế Mạnh).
Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tại Hà Nội phối hợp với BĐBP Hà Tĩnh giải cứu thành công 5 công dân Việt Nam bị lừa bán ra nước ngoài tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Thế Mạnh)

Mới đây, hồi trung tuần tháng 5/2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; BĐBP Hà Tĩnh; Công an tỉnh Bò Kẹo, Bộ Công an Lào phá thành công 1 chuyên án, bắt giữ 4 đối tượng về hành vi MBN, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực hiện giải cứu, đưa 36 người Việt Nam từ Đặc khu kinh tế Bò Kẹo ở Tam giác vàng về nước an toàn.

Cùng với đó, nhiều chuyên án điển hình đã chứng minh cho sự thành công trong công tác phối hợp phòng chống tội phạm MBN giữa lực lượng Công an và BĐBP tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Đắk Lắk, Đăk Nông, Bình Phước, Long An và Kiên Giang trên tuyến biên giới giáp Campuchia. Trên tuyến biên giới giáp Trung Quốc, hai lực lượng đã phối hợp xác lập, đấu tranh chuyên án, vụ án MBN, MBN dưới 16 tuổi và trong đấu tranh các chuyên án phát hiện, bắt giữ 6 đối tượng truy nã của Công an các địa phương...

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao

Nhận diện để đấu tranh có hiệu quả

MBN là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. MBN được Liên Hợp Quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. Do vậy, bảo vệ quyền cho nạn nhân MBN là một trọng tâm trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm này.

Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, thủ đoạn tội phạm trong các vụ án MBN không mới, nhưng phương thức đã có sự thay đổi. Ngoài hình thức gặp gỡ, tiếp xúc, làm quen trực tiếp với nạn nhân, tội phạm MBN thường lợi dụng mạng xã hội, kết nối, tương tác để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân qua Facebook, Zalo, Viber. Đồng thời, hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, bán dâm, cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc với số tiền lớn. Còn trong nội địa, việc MBN dưới 16 tuổi chủ yếu nhằm đưa nạn nhân sang các điểm kinh doanh du lịch gần biển, miệt vườn, các huyện xa trung tâm hoặc giả nhận làm con nuôi để đưa nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thực hiện hành vi MBN...

Các chiến sĩ công an xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Đỉnh Sơn 1 nhận diện các thủ đoạn, phương thức của tội phạm mua bán người, bào thai (Ảnh: Văn Tý).
Các chiến sĩ Công an xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Đỉnh Sơn 1 nhận diện các thủ đoạn, phương thức của tội phạm mua bán người, bào thai. (Ảnh: Văn Tý)

Thời gian qua, công tác truyền thông, đấu tranh trấn áp tội phạm MBN được đẩy mạnh; công tác tiếp nhận hồi hương, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, hợp tác quốc tế được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đã huy động được sức mạnh cộng đồng, nguồn lực xã hội hoá, tạo nên sức mạnh tổng hợp....

Tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, song dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm MBN vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm MBN (từ 1/7 đến 30/9/2024), Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm tiếp tục triển khai quyết liệt; tập trung vào các khu vực trọng yếu, chủ động phát hiện, đấu tranh trấn áp; tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quyết không để tội phạm MBN câu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, liên quốc gia.

BĐBP Lào Cai tiếp nhận nạn nhân bị mua bán do cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả. Ảnh: Trung Dũng.
BĐBP Lào Cai tiếp nhận nạn nhân bị mua bán do cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả. Ảnh: Trung Dũng

Có thể khẳng định, công tác phòng, chống tội phạm MBN đã được các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, một khi hành vi MBN vẫn còn “đất sống” ở Việt Nam, thì chúng ta vẫn phải tiếp tục nỗ lực đấu tranh đẩy lùi loại tội phạm này.

Hiện nay, Dự án Luật Phòng, chống MBN (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo đã tiếp thu, giải trình những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.