Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quy trình kỹ thuật trồng cây Atiso cho năng suất cao

Như Ý - 16:52, 10/09/2021

Cây Atiso là cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao. Toàn bộ cây như thân rễ lá hoa đều được sử dụng để làm dược liệu. Hiện nay các sản phẩm chế biến từ cây Atiso được bán rất phổ biến trên thị trường. Với kỹ thuật trồng cây Atiso đơn giản, bà con có thể dễ dàng áp dụng trồng ở mọi nơi cho năng suất, thu nhập cao.

Atiso thích khí hậu dịu mát, có nhiều ánh sáng.
Atiso thích khí hậu dịu mát, có nhiều ánh sáng.

Thời vụ:

Vụ sớm: Trồng cây tháng 4-5, thu hoạch cuối kỳ tháng 2-3.

Vụ muộn: Trồng từ tháng 7, tháng 8 dương lịch. Sau khi trồng 2, 3 tháng, bắt đầu tỉa lứa lá đầu tiên. Các lần tỉa lá tiếp theo được thực hiện cách nhau một tháng.

Chọn đất và làm đất:

Đối với cây Atiso, nên chọn đất trồng có hàm lượng hữu cơ cao, độ ẩm và khả năng thoát nước tốt, độ ẩm trong đất phải đạt hơn 85%. Ngưỡng pH thích hợp để trồng cây là từ 5,5 – 6,5, đố với những vùng có nhiệt độ tương đối thấp như Đà Lạt hằng năm cần kiểm tra và cân bằng lại độ pH. 

Khi trồng Atiso bà con có thể tận dụng trồng luân canh với các cây họ đậu, cây hoa và rau, không nên trồng thâm canh hoặc trồng liên tiếp nhiều vụ sẽ làm cây không đạt năng suất cũng như tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Trước khi trồng cây, bà con nên dọn dẹp sạch cỏ, cày bừa sâu để làm thoáng đất cũng như tiêu diệt các mầm bệnh đang ẩn trong đất.

Gieo trồng:

Quy cách luống ươm: 1,2 – 1,3m; trồng: 4 – 5 hàng, cây x cây: 15 – 20cm.

Trồng Atiso bằng cây con: Một vài loại Atiso đẻ cây non, người ta chỉ cần tách những cây non ra và trồng.

Trồng Atiso bằng hạt: Gieo hạt vào mùa xuân, nên dùng đất nhiều chất mùn tốt để tránh hột giống bị hư. Sau khi mọc được hai lá thì trồng trồng cây non vào bịch và cứ hai tuần tưới một lần.

Chăm sóc

Tưới nước:  Sau khi trồng cây giống xong, bà con có thể phủ 1 lớp rơm khô mỏng lên bề mặt luống để giữ ẩm cho cây. Đối với giai đoạn vừa mới trồng cây và vào mùa khô, cần tưới nước đầy đủ cho cây, 2 lần/ngày tưới vào lúc sáng sớm, chiều mát. Vào mùa mưa, có thể giảm lượng nước tưới xuống, thay vào đó nên chú đến việc thoát nước kịp thời cho cây để cây không bị ngập úng.

Bón phân:  Bón phân (tính cho 1 ha/vụ): Phân chuồng hoại mục: 150 – 300m3; phân lân vi sinh (LVS) 500kg; vôi bột 1.000 – 1.500kg; phân vô cơ: N-P-K 2.000 – 2.600kg lượng nguyên chất, có thể dùng phân đơn hoặc phức hợp theo lượng trên.

Phương pháp bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi, phân LVS rải đều khi làm đất; 1.000kg P2O5, đảo trộn thật đều trước khi trồng.

Bón thúc lần 1, sau trồng từ 25 – 30 ngày, kết hợp cắt, tỉa lá kém chất lượng, bón 400 – 450kg NPK rải đều phân cách gốc 10 – 15cm.

Bón thúc lần 2, sau trồng từ 50 – 60 ngày, bón 100kg N, 250kg P2O5, 150kg K2O rải đều phân cách gốc 15 – 20cm, kết hợp chăm sóc làm cỏ, vun đất nhẹ.

Bón thúc lần 3, sau trồng 3 tháng, bón 150kg N, 100kg P2O5, 100kg K2O rải đều phân quanh gốc, kết hợp chăm sóc.

Bón thúc lần 4, sau trồng 4 tháng, bón 150kg N, 100kg P2O5, 250kg K2O rải đều phân quanh gốc.

Bón thúc lần 5, sau trồng 5 tháng, bón 350kg K2O rải đều phân quanh gốc. Bón thúc lần 6, sau trồng 6 tháng, bón 350kg K2O rải đều phân quanh gốc.

Lưu ý: sau các lần bón thúc đều phải tưới nước sau khi bón.

Một số bệnh thường gặp ở cây Atiso

Bệnh đốm lá trên cây Atiso: Khi bị mắc bệnh này, cây Atiso thường xuất hiện những vết tròn màu vàng ở cả 2 bên bề mặt lá, nếu để lâu bệnh sẽ làm lá bị khô, cháy và rụng sớm, hoa và thân của cây cũng bị lây bệnh dần dẫn đến cành cong, hoa khô, về sau cây sẽ chết dần. Bệnh thường phát triển mạnh vào mùa mưa, độ ẩm không khí cao.

Để phòng trừ loại bệnh này, việc đầu tiên là phải thường xuyên kiểm tra tình hình sức khỏe của cây, tiến hành tiêu hủy những tàn dư, cây bị mắc bệnh để tránh lây lan. Chú trọng công tác thoát nước cho cây vào những mùa mưa, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây có sức đề kháng chống lại mầm bệnh.

Bệnh do bọ phấn gây ra trên cây Atiso: Bọ phấn thường sinh sôi, sinh trưởng ngay trên các mặt lá của cây Atiso, khi ăn bọ thường chích nhựa độc vào lá và thân cây, từ đó cây bị chảy mủ độc, nếu để lâu lá chuyển dần sang màu vàng và rụng sớm, cây còi cọc, không phát triển được, sau đó chết dần.

Cách phòng tránh bệnh bọ phấn cần thường xuyên dọn vệ sinh vườn trồng, thường xuyên tỉa bới những cành mọc vượt, để tạo độ thông thoáng cho cây. Có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun định kỳ cho vườn 2 tháng/lần. Khi phát hiện cây bị bệnh, cần tiến hành cắt bỏ những phần đã bị nhiễm bệnh để tránh lây lan cho các cây khác.

Thu hoạch

Khi bắt đầu trổ nụ, nên để ý để có thể thu hoạch đúng thời điểm. Ðộ lớn vừa đủ trước khi lá bông bắt đầu mở. Trễ quá nụ sẽ bị cứng và trở nên như gỗ. Cắt nụ với cuống có độ dài từ 3 – đến 5cm. Cuống của Atiso có vị như nụ, vì vậy không nên vứt bỏ.

Sau khi thu hoạch, nên cắt cuống đến tận chân và bón phân để thúc cây trổ mầm mới./.