Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quy định mới về chế độ báo cáo công tác dân tộc

T.Hợp - 11:10, 02/02/2023

Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-UBDT quy định chế độ báo cáo công tác dân tộc. Theo đó, thực hiện chế độ báo cáo công tác dân tộc bằng văn bản điện tử, ký số trên Hệ thống thông tin báo cáo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tư nêu rõ, nguyên tắc ban hành chế độ báo cáo công tác dân tộc là bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của cấp có thẩm quyền về lĩnh vực công tác dân tộc; làm cơ sở để Ủy ban Dân tộc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Nội dung chế độ báo cáo công tác dân tộc phải phù hợp với quy định tại các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Số liệu thực hiện chế độ báo cáo công tác dân tộc phải thống nhất, chính xác, bảo đảm thuận lợi cho việc tổng hợp, cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng. Thực hiện chế độ báo cáo công tác dân tộc bằng văn bản điện tử, ký số trên Hệ thống thông tin báo cáo.

Theo Thông tư, báo cáo công tác dân tộc định kỳ được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin tổng hợp, toàn diện để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc được thực hiện theo một chu kỳ xác định và lặp lại nhiều lần.

Báo cáo công tác dân tộc chuyên đề được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề thuộc lĩnh vực công tác dân tộc để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc và được thực hiện một hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định.

Báo cáo công tác dân tộc đột xuất được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh đột xuất trong lĩnh vực công tác dân tộc. Báo cáo gấp các vụ việc nổi cộm liên quan đến công tác dân tộc, phát sinh đột xuất như thiệt hại do thiên tai, diễn biến bất thường về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), chặt phá rừng, di cư đi và đến, hoạt động tôn giáo trái pháp luật và những vụ việc đột xuất khác.

Chế độ báo cáo công tác dân tộc định kỳ gồm: Báo cáo tháng và báo cáo quý; báo cáo 6 tháng và báo cáo năm.

Về báo cáo tháng và báo cáo quý: Nội dung yêu cầu của báo cáo gồm đánh giá công tác quản lý, điều hành của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh; đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các chương trình, dự án, đề án, chính sách dân tộc được giao tham mưu quản lý, chỉ đạo, thực hiện; tổng hợp, đánh giá tình hình vùng DTTS&MN; báo cáo cần nêu rõ tình hình nổi bật, những vấn đề cần lưu ý, có số liệu, nhận định, đánh giá và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để ổn định tình hình vùng DTTS&MN; đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; nêu các ưu điểm, tồn tại, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; các đề xuất kiến nghị ...

Thời hạn gửi báo cáo: Đối với báo cáo tháng, trước ngày 20 của tháng báo cáo; đối với báo cáo quý, trước ngày 20 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo.

Quy định mới về chế độ báo cáo công tác dân tộc 1

Về báo cáo 6 tháng và báo cáo năm: Nội dung yêu cầu của báo cáo gồm Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc như công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, dự án, văn bản chuyên môn nghiệp vụ; tiến độ triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chính sách của cấp có thẩm quyền; việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác năm theo quy định; công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, kiến nghị, phản ánh và công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực công tác dân tộc; xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, báo cáo năm liền kề của kỳ báo cáo; giải pháp tổ chức thực hiện, bài học kinh nghiệm và các kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền (nếu có); tổng hợp, đánh giá tình hình vùng DTTS&MN; báo cáo cần nêu rõ tình hình nổi bật, những vấn đề cần lưu ý, có số liệu, nhận định, đánh giá và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để ổn định tình hình vùng DTTS&MN.

Thời hạn gửi báo cáo: Đối với báo cáo 6 tháng đầu năm gửi trước ngày 20/6 hằng năm; đối với báo cáo năm gửi trước ngày 20/12 hằng năm.

Báo cáo bằng văn bản gửi Ủy ban Dân tộc theo địa chỉ: Ủy ban Dân tộc, số 349 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội; bản điện tử gửi theo địa chỉ email: hethongbaocao@cema.gov.vn và trên trục liên thông văn bản quốc gia của Ủy ban Dân tộc.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 15/02/2023.