Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Hoàng Quý - 15:28, 14/05/2025

Sáng 14/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam)
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam)

Thảo luận tại Hội trường, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã phát biểu nhiều ý kiến vừa bao quát toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực và tập trung vào các vấn đề trọng tâm của cả hai dự thảo.

Làm rõ quy định về phân quyền trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho biết, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, sửa đổi toàn diện về tổ chức hoạt động của các cấp chính quyền địa phương có tác động lớn đến tổ chức bộ máy, hoạt động kinh tế - xã hội.

Do đó, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương hai cấp, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện trước đây, tránh bỏ sót chồng chéo, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương, cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

Về đơn vị hành chính tại khoản 1 Điều 1, Đại biểu cho biết, so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, dự thảo luật đã bỏ cụm từ “trực thuộc địa phương” sau tên gọi tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tên gọi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay vẫn được thể hiện trong khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 và vẫn được giữ nguyên trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến Pháp lần này; hay như trong các nghị quyết, kết luận của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, Đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và rà soát để bảo đảm tính thống nhất giữa quy định của dự thảo luật đối với Hiến pháp, các văn bản có liên quan của Đảng, Nhà nước, pháp luật hiện hành và các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết đang được sửa đổi.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)

Bổ sung tiêu chí miền núi là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy

Góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm trong hoạt động đối ngoại, Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) đề nghị cần bổ sung quy định có tính nguyên tắc để chính quyền địa phương cấp cơ sở sau sáp nhập được tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại, thỏa thuận quốc tế có liên quan. Cần có điều khoản quy định chính quyền địa phương cấp cơ sở hoặc cấp trên trực tiếp có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các thỏa thuận quốc tế đã ký nhân danh đơn vị hành chính cũ, đồng thời cập nhật tên gọi mới của đơn vị hành chính.

Về bổ sung tiêu chí miền núi, theo Đại biểu, thực tiễn cho thấy miền núi có những đặc điểm khác biệt hoàn toàn với mô hình nông thôn đồng bằng, cần có những phương thức bộ máy và chính sách phù hợp. Việc bổ sung tiêu chí miền núi sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế, tiêu chí phân loại đơn vị hành chính và các chính sách đặc thù cho vùng miền núi.

Về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh và Thường trực HĐND cấp tỉnh, Đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quy định rõ và tăng cường hơn nữa thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh và Thường trực HĐND cấp tỉnh. Đặc biệt là trong việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

Về vấn đề thay đổi tên gọi, địa giới hành chính, chỉ dẫn địa lý, nhận diện thương hiệu địa phương, Đại biểu Lý Thị Lan cho biết, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để các địa phương có cơ sở pháp lý để xây dựng chiến lược truyền thông thống nhất, xây dựng thương hiệu, định vị, xây dựng bản đồ du lịch mới.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau)
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau)

Xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân

Tham gia góp ý vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đánh giá đây có thể xem là cuộc cách mạng trong cải cách nền hành chính nước nhà, Đại biểu đồng tình và tin tưởng sự thành công của các cải cách này.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng, sự thay đổi này là quá lớn, ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các mặt đời sống xã hội, từ kinh tế - xã hội cho đến tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đại biểu đề nghị các ngành, các cấp cần sớm có câu trả lời, cần có giải pháp để đạt được mục tiêu sau khi sáp nhập, đó là: Bộ máy hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng thống nhất cao với sửa đổi các quy định phân cấp phân quyền, phân rõ nhiệm vụ quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã. Vì sau khi sáp nhập tỉnh, có những xã cách trung tâm hành chính tỉnh hàng trăm km, với hạ tầng giao thông thấp kém ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, sẽ tốn nhiều thời gian, kinh phí. Việc phân cấp này sẽ hết sức cần thiết. Bên cạnh việc phân cấp mạnh, giao quyền tự quyết cho cấp xã thì cũng cần có cơ chế phối hợp giữa các xã, phường giáp ranh một cách hiệu quả.

Đại biểu kiến nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt trên môi trường mạng, trong đó các thế lực thù địch đang cố tình xuyên tạc công cuộc đổi mới của ta bằng cách khai thác mặt trái, các nội dung chưa có quy định rõ ràng, nơi ở đó đa số người dân tiếp nhận thông tin. Phân quyền mạnh mẽ hơn nữa và ứng dụng công nghệ thông tin cho cấp xã để giải quyết công việc tại chỗ cho người dân.

Tăng cường số lượng cán bộ công chức cấp xã phù hợp với nhiệm vụ quyền hạn, và theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, tận tuỵ với Nhân dân. Đẩy mạnh kinh tế tư nhân, quy hoạch, đầu tư mỗi tỉnh có ít nhất 1 khu công nghiệp tập trung để thu hút, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho công chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và Nhân dân ở địa phương. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông thông suốt từ xã đến tỉnh.