Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quốc hội nghe báo cáo đánh giá kết quả KT-XH, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm

Minh Thu - 14:18, 22/07/2021

Sáng 22/7 bước vào ngày làm việc thứ ba, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, tại Hội trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã trình bày cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội (KT - XH), ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021

Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 22/7
Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 22/7

 Báo cáo nêu rõ: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển KT - XH và bảo đảm đời sống của Nhân dân. Nhờ đó, tình hình KT - XH 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực: Thu Ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch; bội chi, nợ công giảm mạnh; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2016-2020) đạt khoảng 6%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới, khu vực. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, đúng hướng, thực chất. Hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện. Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua 73 dự án Luật, 2 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành khoảng 737 nghị định.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT – XH và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; cải cách tư pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện tốt; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước…

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề: Việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ nhằm góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của Nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Chiến lược vắc-xin của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp; nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc-xin. Một số khoản thu NSNN hoàn thành, tăng cao so với dự toán một phần là do việc lập dự toán thu NSNN chưa sát với thực tế. Triển khai phân bổ ngân sách còn chậm, tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ còn 11,68% kế hoạch; dự toán chi thường xuyên còn lại chưa phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương khoảng 1.400 tỷ đồng…

Tại hội trường, Quốc hội cũng đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Theo đó, cử tri và Nhân dân đánh giá cao, thật sự vui mừng, phấn khởi trước những kết quả to lớn, toàn diện mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đạt được trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng: Cụ thể, trong bối cảnh khan hiếm vắc-xin toàn cầu, cam kết của các nhà cung ứng lỏng lẻo, vắc-xin trong nước chưa sản xuất được, phải có giải pháp thật sự đột phá, khả thi thì mới đạt được tỷ lệ tiêm chủng 75% dân số của cả nước như kế hoạch của Bộ Y tế đề ra. Đồng thời, việc thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 còn lúng túng, xác định đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp với bối cảnh, tình hình... do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Quốc hội nghe các Báo cáo tại Hội trường ngày 22/7/2021
Quốc hội nghe các Báo cáo tại Hội trường ngày 22/7/2021

Cũng trong khuôn khổ phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Về dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, Chính phủ đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Vào cuối giờ sáng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Chính phủ đề xuất giữ nguyên 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ như hiện có. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.