Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Uyên (Cao Bằng): Lan rộng văn hóa dùng hàng Việt

PV - 10:47, 04/06/2019

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với Nhân dân trên địa bàn cả nước người dân trên địa bàn huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) đã thay đổi nhận thức, chủ động tìm mua hàng hoá sản xuất trong nước để dùng trong sinh hoạt hằng ngày.

Theo quan sát của phóng viên, tại nhiều điểm trên địa bàn huyện Quảng Uyên, nhiều mặt hàng Việt Nam như thực phẩm, bánh kẹo, hoá mỹ phẩm, gia vị… được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng, tạp hoá. Một số chợ ở các xã như Phúc Sen, Quốc Dân, trong các quầy hàng, nhiều tư thương còn bày bán nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thương hiệu nội địa quen thuộc như: bột giặt omo, bánh kẹo Orion, dầu gội Sunsilk…

Sản phẩm thương hiệu Việt tại siêu thị Ngọc Xuân, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng. Hàng Việt tại siêu thị Ngọc Xuân, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng.

Chị Nguyễn Thị Dung, chủ một cửa hàng tạp hoá tại thị trấn Quảng Uyên chia sẻ: Ngày trước, chị thường mua hàng qua các đầu mối, cứ rẻ là mua nên ít khi để ý đến nhãn mác hàng hóa; trong đó không ít các mặt hàng tiêu dùng từ biên giới Trung Quốc đưa về. Tuy nhiên, những năm gần đây, qua thông tin tuyên truyền và những vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm; nhất là hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu từ các nơi tuồn vào Việt Nam, khiến cho hàng Việt tiêu thụ rất khó khăn. Gia đình chị đã chuyển dần sang nhập những mặt hàng trong nước về bán và sử dụng trong nhà.

“Vài năm trở lại đây, nhiều mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng của chúng ta cũng đã thay đổi được mẫu mã đẹp, đa dạng, chất lượng các sản phẩm cũng đã được nâng, giá thành hợp lý nên bà con đã lựa chọn mua nhiều nên gia đình quyết định gắn bó với hàng Việt”, chị Dung phấn khởi nói thêm.

Theo báo cáo của Uỷ ban MTTQ huyện Quảng Uyên, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, UBMT Tổ quốc huyện cũng đã triển khai rất nhiều hoạt động đẩy mạnh cuộc vận động tới mọi tầng lớp Nhân dân. Theo đó, trên địa bàn huyện, băng rôn, khẩu hiệu cổ động tại các chợ, các trục đường giao thông được treo khắp, nhằm vận động từ các hội viên, đoàn viên cho đến các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động. Huyện cũng đã tổ chức được 86 cuộc tuyên truyền, với hơn 1000 lượt người tham dự.

Ngoài ra, hằng năm, huyện đều tổ chức hội chợ tại trung tâm huyện nhằm kích cầu tiêu dùng. Ngoài các sản phẩm địa phương làm ra được trưng bày, giới thiệu, việc tổ chức hội chợ còn góp phần đẩy mạnh và tăng cường tính liên kết, giao lưu trao đổi tại các vùng miền; là cơ hội để doanh nghiệp và các địa phương quảng bá thương hiệu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau.

Uỷ ban mặt trận các cấp đã triển khai thường xuyên các hoạt động thiết thực như: vận động người dân sử dụng hàng Việt chất lượng cao, kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng, cách phân biệt hình thức hàng giả, hàng nhái… trong các buổi họp dân, sinh hoạt xóm, hội nghị tập huấn. Các xã Phúc Sen, Quốc Dân, Chí Thảo, Phi Hải là những địa phương tích cực thực hiện các hoạt động trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Triệu Ngọc Trường, Quyền đội trưởng đội QLTT số 6 huyện Quảng Uyên cho biết: Quảng Uyên hiện có một số sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, có nhiều khả năng mở rộng thị trường như: sản phẩm của làng nghề rèn Phúc Sen đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, ngói lợp của xã Tự Do, kẹo lạc vừng, thạch trắng của thị trấn Quảng Uyên, các sản phẩm đan lát của xã Hồng Định,…

Hiện nay, lượng hàng Việt trên địa bàn huyện đã chiếm khoảng 80%. Khi nguồn gốc, hàng hoá nội địa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng càng có niềm tin hơn với hàng Việt. Từ đó, việc thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm các sản phẩm trong nước sẽ tiếp tục được nâng lên, trở thành nét “văn hoá tiêu dùng” trong mỗi người dân.

HỒNG PHÚC