Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Ninh: Tăng cường chuyển đổi số nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

Mỹ Dung - 05:24, 01/12/2023

Tiếp tục hướng tới việc xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, tỉnh Quảng Ninh đã và đang chú trọng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây cũng là cách nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm kết thúc.

Lãnh đạo xã Đồng Tâm (Bình Liêu) hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày trên điện thoại thông minh
Lãnh đạo xã Đồng Tâm (Bình Liêu) hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày trên điện thoại thông minh

Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp...

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đã và đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp. Trong đó, sự tham gia của nông dân là yếu tố quan trọng, từ khâu khoa học kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất, đến tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Chuyển đổi số không chỉ giúp người nông dân đưa sản phẩm lên mạng một cách đơn thuần, mà còn thay đổi trong tư duy sản xuất.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/. Hệ thống giúp cấp tài khoản tham gia quản lý cho các cơ sở là các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, sản thực phẩm của TP Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, cho biết:"Sở đang đặt mục tiêu phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Thời gian tới, cùng với các sở, ngành liên quan, Sở sẽ đẩy mạnh việc phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tăng cường các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn, giúp người nông dân thay đổi trong tư duy sản xuất, quảng bá sản phẩm lên mạng hiệu quả và điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo nhu cầu thị trường, tiến tới hội nhập quốc tế”.

Cán bộ nông nghiệp giám sát chất lượng vùng trồng cây thanh long trước khi cấp mã số xuất khẩu
Cán bộ nông nghiệp giám sát chất lượng vùng trồng cây thanh long trước khi cấp mã số xuất khẩu

Qua các trang điện tử, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh, với các siêu thị, chợ; đã có 27 cửa hàng và 5 sàn giao dịch thương mại điện tử trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Đây là bước chuyển căn bản, từ đó thay đổi phương thức tiêu thụ, nâng tầm nông sản đất mỏ trong xu thế công nghệ số ngày càng phát triển như hiện nay.

...đến đồng bộ hóa chuyển đổi số tại địa phương

So với trước đây, việc doanh nghiệp, người dân ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động, sản xuất, quản lý, quảng bá, tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã nâng lên rõ rệt. Hiện nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 98,7%); trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh đã lên sànthương mại điện tử.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai công tác chuyển đổi số toàn diện tới tận các xã, thôn, bản. Điển hình như tại huyện Tiên Yên, công tác chuyển đổi số được tích cực triển khai với nhiều hiệu quả đáng ghi nhận. Huyện đã chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng và mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, đặc biệt là trong các hoạt động xây dựng NTM; đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng; ứng dụng công nghệ, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân...

Đoàn viên Ba Chẽ ra quân hỗ trợ người dân cài đặt mã thanh toán QR-code
Đoàn viên thanh niên ở Ba Chẽ ra quân hỗ trợ người dân cài đặt mã thanh toán QR-code

Xã Đồng Rui có 842 hộ với 2.992 nhân khẩu, gồm 11 dân tộc sinh sống (Kinh, Dao, Tày, Sán Chỉ, Hoa, Mường, Thái, Cao Lan, Khơ Mú, Sán Dìu), trong đó DTTS chiếm khoảng 15%. Xã là 1 trong 2 xã đã được huyện Tiên Yên lựa chọn, hướng tới xây dựng trở thành mô hình xã thông minh để thực hiện “chiến lược” chuyển đổi số trong xây dựng NTM.

Ông Lộc Văn Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, cho biết: Xã đã và đang tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM, phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ có trên 85% số hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng và sóng viễn thông di động; 100% trường học, trạm y tế, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã, dịch vụ điện nước, siêu thị mini sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; 100% người dân có sổ khám sức khỏe điện tử và sử dụng nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 100% các sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản, trên 80% sản phẩm nông sản được truy gốc giao dịch trên sàn TMĐT...

Là xã có hơn 90% là người DTTS, thời gian qua Đồng Tâm (Bình Liêu) tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm hướng dẫn, khuyến khích người dân chủ động làm quen với các dịch vụ tiện ích trên không gian mạng. Đội ngũ cán bộ các thôn là nòng cốt hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm chuyển đổi số, nâng cao nhận thức về an toàn an ninh mạng...

Theo ông Nông Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm nhấn mạnh: “Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy tốt vai trò của mình, nhất là trong hướng dẫn người dân cài phần mềm VssID, thanh toán tiền điện, tiền nước qua điện thoại, cập nhật tin tức an ninh trật tự trên trang thông tin điện tử địa phương... Đặc biệt là nhiều hộ kinh doanh trong xã đã bắt đầu biết quảng bá các sản phẩm của mình trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để bán được nhiều hàng hơn, nâng cao thu nhập”.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 98/98 xã đạt chuẩn NTM; 54/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 7/7 huyện đạt chuẩn NTM; 6/6 thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2 huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025...

Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt mục tiêu: 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 3 huyện so với năm 2022, gồm Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà); 58/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 4 xã so với năm 2022); 32/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 6 xã so với năm 2022).

 Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đặc biệt tập trung tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở nông thôn.