Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Ninh: Tấm lòng của nữ cựu chiến binh với đồng đội và sự phát triển xã đảo

Mỹ Dung - 04:42, 20/11/2023

Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Trần Thị Sơn, sinh năm 1955, TP. Móng Cái (Quảng Ninh) đã tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn phát triển kinh tế, tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội. Đặc biệt, bà còn dành nhiều công sức, tiền bạc và tiên phong phát triển tuyến du lịch đảo Vĩnh Thực, tạo công ăn việc làm cho nhiều đồng đội và bà con ở vùng đảo này.

Bà Sơn hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ cho lao động bán tàu vé đi đảo Vĩnh Thực
Bà Sơn hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ cho lao động bán vé tàu đi đảo Vĩnh Thực

Mạnh dạn phát triển kinh tế

Chân chất, mộc mạc từ lời nói, tiếng cười và cả câu chuyện về cách làm kinh tế của bà cũng vô cùng bình dị. Đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với bà Trần Thị Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển kinh tế Ka Long. 

Năm 1972, khi tròn 17 tuổi, cô gái Trần Thị Sơn xung phong nhập ngũ và được biên chế làm nhiệm vụ tại Cục xăng dầu (Tổng cục Hậu cần), cơ quan quản lý và bảo đảm xăng dầu cấp chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến năm 1976, xuất ngũ và chuyển công tác sang khối chính quyền, nữ CCB được cử đi học ngành thương nghiệp rồi về công tác tại HTX mậu dịch huyện Hải Ninh (cũ) cho đến khi nghỉ hưu.

Từng được trải qua môi trường quân ngũ, rồi làm trong lĩnh vực thương nghiệp, nên về nghỉ hưu theo chế độ, bà Sơn dễ dàng hiểu và bắt nhịp với xu hướng phát triển kinh doanh trong thời “mở cửa”. Từ nghiên cứu về tiềm năng thị trường địa phương, bà Sơn đã chung vốn cùng với một số cựu chiến binh thành lập Công ty TNHH Phát triển kinh tế Ka Long, kinh doanh trong lĩnh vực vận tải taxi, du lịch. Do đi trước một bước nên thương hiệu taxi Ka Long nhanh chóng trở thành một địa chỉ tin cậy, gần gũi với người dân Móng Cái và du khách.

“Nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao, tôi đã vay vốn từ gia đình, người thân, chung vốn cùng một số cựu chiến binh thành lập công ty. Công ty phát triển như ngày hôm nay, chúng tôi phấn khởi lắm, càng quyết nỗ lực hơn nữa để phát triển đa dạng ngành”, bà Sơn chia sẻ.

Hiện nay, Công ty quản lý hơn 100 xe taxi từ 4 đến 16 chỗ, tạo việc làm cho hơn 150 lao động là con em của các cựu chiến binh và những người không có công ăn việc làm với mức thu nhập đạt 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Tiên phong phát triển tuyến du lịch đảo Vĩnh Thực

Trong linh vực kinh doanh của Công ty, có lẽ, việc xây dựng kế hoạch sản phẩm du lịch đưa khách ra tuyến đảo ở Móng Cái khiến nữ CCB tâm đắc nhất. Theo bà Trần Thị Sơn, năm 2015, khi thành phố Móng Cái phát động chủ trương phát triển du lịch ra đảo Vĩnh Thực, thì mọi thứ còn rất hoang sơ và khó khăn. Bởi vậy, việc mở dịch vụ du lịch ra Vĩnh Thực được coi là mạo hiểm.

"Khi nhận dự án làm du lịch ra tuyến đảo, tôi nghĩ dễ nhưng bắt tay vào làm thấy cực khó, nhất là với phụ nữ làm dịch vụ vận tải không hiểu gì về tàu bè sông nước. Nên tôi vừa làm vừa học hỏi các anh em ở đây", bà Sơn kể lại.

Theo đó, Công ty của bà Sơn đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị, phương tiện vận tải, phục vụ nhu cầu của du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại tuyến đảo Vĩnh Thực - Vĩnh Trung và du lịch trải nghiệm Bắc Sơn - Hải Sơn.

Điểm đón, trả khách đi đảo Vĩnh Thực của Công ty TNHH Phát triển Ka Long
Điểm đón, trả khách đi đảo Vĩnh Thực của Công ty TNHH Phát triển Ka Long

Trải qua nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch Covid -19 nhưng bà Sơn vẫn cố gắng trả 2/3 lương để động viên, hỗ trợ lao động ổn định cuộc sống. Đặc biệt, bà luôn ưu tiên tuyển và đào tạo người tại các đảo và cựu chiến binh để vào làm việc tại công ty.

Cựu chiến binh Trần Văn Hùng, hiện là một lái xe trên tuyến đảo Vĩnh Thực cho biết: Nói đến bà Sơn, chúng tôi phải cảm ơn bà đã tạo công ăn việc làm, với mức lương hợp lý cho anh em đồng đội, bà con nghèo của xã đảo trong nhiều năm nay. Cũng nhờ bà đã đầu tư thêm nhiều cơ sở vật chất giúp cho bộ mặt xã ngày càng phát triển hơn, đặc biệt là du lịch”.

Ngoài việc đầu tư các phương tiện để đưa, đón du khách một cách chuyên nghiệp, an toàn bao gồm xe điện, xe ô tô 16 chỗ, Công ty còn mở rộng đầu tư khu vực bến, nhà chờ, nhà bán sản phẩm OCOP, nhà ban quản lý tại bến Mũi Ngọc, đầu tư khu nhà ăn, nhà nghỉ dưỡng tại Bến Hèn (xã Vĩnh Trung) để phục vụ khách du lịch.

“Việc phát triển công ty, ngoài việc mang lại lợi nhuận trong kinh doanh, điều tôi mong muốn là giải quyết được việc làm cho con em các đối tượng chính sách, thương bệnh binh, cựu chiến binh, để hỗ trợ phần nào cho gia đình họ về kinh tế, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”, bà Sơn bộc bạch..

Du lịch tuyến đảo Vĩnh Thực phát triển như ngày hôm nay cũng nhờ một phần đóng góp của cựu chiến binh Trần Thị Sơn
Du lịch tuyến đảo Vĩnh Thực phát triển như ngày hôm nay cũng nhờ một phần đóng góp của cựu chiến binh Trần Thị Sơn

Không những vậy, nữ cựu binh còn thường xuyên chia sẻ, động viên kịp thời đến những hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở TP. Móng Cái và nhiều địa phương khác ở Quảng Ninh, như tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng văn hóa thông tin TP. Móng Cái cho biết, vào thời điểm bà Sơn phát triển tuyến đảo, thành phố lúc đó cũng chỉ mới hoàn thành xong thủ tục hồ sơ, đề nghị tỉnh đề nghị công nhận tuyến du lịch đảo Vĩnh Thực, là một trong những tuyến du lịch của TP. Móng Cái. Để dự án đi vào hiện thực, địa phương cũng đã tuyên truyền vận động, tạo nhiều thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, nhưng thời điểm đó cũng rất khó khăn do các doanh nghiêp chưa mặn mà.

“Bà Sơn, lúc đó đang kinh doanh giao thông vận tải đường bộ, nhưng khi được vận động, bà rất quan tâm đến việc phát triển của địa phương nên sẵn sàng tiên phong đầu tư phát triển kinh tế vùng đảo. Bà đã chú trọng sử dụng nguồn lao động địa phương trên đảo và cựu chiến binh để họ có thu nhập. Tuyến đảo hình thành và phát triển như ngày hôm nay, có một phần đóng góp, quyết tâm lớn của bà Sơn, một nữ cựu chiến binh”, bà Oanh cho biết.

Nói về bà Trần Thị Sơn, các cán bộ, hội viên phụ nữ TP. Móng Cái cùng với các cựu chiến binh cùng thời với bà đều nhận xét một cách rất tình cảm, chân thành: Đó là một cựu chiến binh không những kinh doanh giỏi mà còn giàu lòng nhân ái, biết sống vì mọi người...