Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Ngãi: Tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn

T.Nhân - 08:45, 26/03/2024

Ngày 25/3, Ban Khánh tiết Đình làng An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cùng các tộc họ làng An Hải tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Đình làng An Hải, nơi tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Đình làng An Hải, nơi tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Như thường lệ, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa gồm các phần lễ cáo yết nghinh thần, lễ nhập yết, chánh tế Khao lề thế lính Hoàng Sa và lễ thả thuyền... Một lễ vật không thể thiếu là thuyền câu và bài vị của những binh phu đã bỏ mình nơi dặm dài biển cả.

Ông Trương Duyệt - Trưởng Ban Khánh tiết Đình làng An Hải, cho biết: Cứ vào tháng 2 âm lịch hàng năm, các tộc họ ở làng An Hải lại tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là sự tưởng nhớ, tri ân công đức những hùng binh Hoàng Sa năm xưa, đã có công cắm mốc dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống trên đảo, tái hiện nghi lễ tiễn đưa những hùng binh năm xưa vâng lệnh triều đình ra quần đảo Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia và tuần tra, khai thác sản vật, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng Biển Đông. Đồng thời, khắc họa sinh động nét đẹp văn hóa sông nước và lòng quyết tâm bám biển của Nhân dân miền biển Lý Sơn.

Thực hiện nghi thức trước khi đưa thuyền ra biển
Thực hiện nghi thức trước khi đưa thuyền ra biển

Theo sử sách ghi chép lại, vào đầu thế kỷ XVII, khi vào trấn nhậm phía Nam, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải, nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Mỗi năm sẽ có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh, bơi lội giỏi được cử vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Đến thế kỷ XIX, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn được giao trọng trách trên.

Nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa. Để thực thi nhiệm vụ Vua ban, những dân binh phải lênh đênh trên biển bằng những chiếc thuyền câu trong suốt 6 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch.

Đội nghi lễ đưa thuyền ra biển
Đội nghi lễ đưa thuyền ra biển

Sau phần tế lễ là nghi lễ thổi Ốc U hiệu lệnh cho những trai tráng rước thuyền và hình nhân thế mạng thả trôi ra biển hướng Hoàng Sa - Trường Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước và lễ đua thuyền truyền thống Tứ Linh.

Hiện nay, đảo Lý Sơn có hơn 3.000 ngư dân, hơn 500 tàu thuyền, trong đó hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân Lý Sơn luôn đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại, vươn khơi bám biển. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người dân đảo Lý Sơn.