Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Ngãi: Tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS

Thành Nhân - 17:48, 11/03/2023

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết vấn đề bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tích cực triển khai Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8), thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.

Hội LHPN đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại các huyện miền núi
Hội LHPN đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại các huyện miền núi

Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì triển khai Dự án 8, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban ngành tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành kế hoạch triển khai đến các cơ quan, đơn vị và địa phương. Tập trung vào 4 nội dung là: tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm; xây dựng và nhân rộng các mô hình tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo và Người có uy tín.

Theo đó, Hội LHPN tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án 8 ở 56 xã thuộc 6 huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng và Nghĩa Hành; phấn đấu đến năm 2025, có 200 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động, có 82 tổ tiết kiệm vay vốn thôn, có 28 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 50 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 120 cuộc đối thoại chính sách cấp thôn được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn...

Năm đầu tiên thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã thành lập được 30 tổ truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng và truyền thông hướng dẫn xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số tại 30 thôn; hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác truyền thông.

Đồng thời, thí điểm nâng cấp 3 địa chỉ an toàn trên cơ sở các địa chỉ tin cậy sẵn có nhưng chưa hiệu quả tại xã Sơn Tân (Sơn Tây) và xã Sơn Trung (Sơn Hà); thí điểm xây dựng mới 3 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại xã Ba Dinh (Ba Tơ); tổ chức 14 hội nghị phát triển năng lực lồng ghép giới cho cán bộ cấp huyện, cấp xã và cán bộ thôn, Người có uy tín...

Chị Phạm Thị Lành, ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ chia sẻ: Khi tham gia vào tổ truyền thông cộng đồng, tôi nắm bắt các kiến thức về giới, định kiến giới, bình đẳng giới, được học kỹ năng xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động truyền thông về tảo hôn, trẻ bỏ học, sinh con thứ 3 trở lên... Từ những kiến thức, kỹ năng tiếp thu được, tôi tuyên truyền, vận động người dân địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xây dựng cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Còn vợ chồng chị Đinh Thị Hoa ở xã Long Mai, huyện Minh Long tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”, nên luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng. Chồng chị Hoa sau giờ lao động trên nương rẫy luôn cố gắng chia sẻ việc nhà cùng chị và cùng giúp con cái học tập. 

Chị Hoa cho hay: Vợ chồng mình cùng tham gia các Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, nuôi dạy con tốt. Qua đó, vợ chồng mình nhận thức rất rõ về việc không bạo lực gia đình, cùng nuôi dạy con. Cuộc sống hiện tại của gia đình mình khá ổn định, vợ chồng sống hòa hợp, yêu thương nhau, cùng nuôi dạy con cái ngoan, học giỏi.

Thực hiện dự án 8 sẽ giúp cho phụ nữ miền núi có điều kiện tiếp cận vốn đầu tư sản xuất, tự chủ kinh tế
Thực hiện dự án 8, sẽ tạo cơ hội cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS và miền núi được tiếp cận vốn đầu tư sản xuất, tự chủ kinh tế

Bà Lê Na - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Các nội dung thuộc Dự án 8 không phải là vấn đề mới, nhưng đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp thực hiện mới. Sự vào cuộc quyết liệt, khoa học, hiệu quả của các cấp, các ngành sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS.  

Thời gian tới, các cấp hội sẽ hỗ trợ cho phụ nữ nghèo ở các địa phương, thành lập các tổ tín dụng tiết kiệm. Thành lập các câu lạc bộ thủ lĩnh; hỗ trợ cho phụ nữ một số hoạt động để phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương miền núi thuộc Dự án 8. Tuyên truyền xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

Theo ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhận thức về bình đẳng giới ở các huyện miền núi của tỉnh, tuy có chuyển biến tích cực, nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều rào cản đối với sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em gái vẫn còn xảy ra. Phụ nữ ở miền núi còn tự ti, tâm lý an phận, chưa mạnh dạn phấn đấu vươn lên, tỷ lệ nghèo ở phụ nữ còn cao. 

"Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ ở nông thôn, miền núi", ông Tuấn thông tin thêm.