Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Ngãi: Hợp tác xã miền núi giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Thành Nhân - 07:06, 24/12/2022

Những năm gần đây, các HTX ở miền núi Quảng Ngãi đã có bước phát triển tốt. Đặc biệt, một số HTX đã phát huy được thế mạnh tại địa phương, giúp nhiều hội viên là phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) có thu nhập ổn định, chăm lo tốt cho gia định.

HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ giúp xã viên phụ nữ tiêu thụ sản phẩm
HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ giúp xã viên phụ nữ tiêu thụ sản phẩm

Giúp phụ nữ miền núi có thêm thu nhập

Chị Phan Thị Quyến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ chia sẻ: Qua một thời gian mua bán với bà con, mình nhận thấy, có những sản phẩm bà con phải lên tận các đỉnh núi trong vùng mới có được. Chẳng hạn như cá niên, phải cất công có khi cả ngày mới được một, hai ký. Thế nhưng, nhiều nơi trả giá, thu mua không tương xứng. Ngoài ra, bà con còn hạn chế trong cách bảo quản, chỉ cần sơ sẩy là sản phẩm bị hư, kém chất lượng. Thế là bị ép giá, có khi cả ngày đi làm không có đồng nào, như vậy rất tội cho bà con.

Từ thực tế đó, chị Quyến đã nảy ra ý tưởng, phải có một điểm thu mua để làm cầu nối tiêu thụ đặc sản cho đồng bào. Từ số tiền tích lũy, chị Quyến đã huy động thêm nguồn vốn từ gia đình, bạn bè người thân để làm thành lập HTX. Sau một thời gian chuẩn bị, đến tháng 5/2019, HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ được thành lập, với sự tham gia của khoảng 15 thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân chuyên trồng, nuôi các cây, con đặc sản của địa phương và của cả các hộ dân chuyên đi tìm, “săn” các đặc sản của núi rừng.

Để làm phong phú các sản phẩm, chị Quyến còn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều món ngon hấp dẫn, phục vụ mọi đối tượng khách hàng như ớt xiêm ngâm với sả rừng, rượu sim, rượu sâm... Hay như món thịt trâu, trước đây nhiều người chỉ thường mua thịt tươi về chế biến thì nay có cơ hội thưởng thức món thịt trâu gác bếp đã qua hút chân không do chính tay chị chế biến.

Nhiều phụ nữ dệt thổ cẩm Làng Teng có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định nhờ liên kết với HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ tiêu thụ sản phẩm
Nhiều phụ nữ dệt thổ cẩm Làng Teng có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định nhờ liên kết với HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ tiêu thụ sản phẩm

Bên cạnh việc giúp người dân tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng cao, chị Quyến còn liên kết với Tổ hợp tác chuyên dệt, may thổ cẩm ở Làng Teng để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Tại cửa hàng của HTX còn có một không gian để dành cho nghệ nhân dệt hằng ngày và trưng bày các sản phẩm do mình làm ra.

Chị Phạm Thị Im, ở thị trấn Ba Tơ chia sẻ. Ngày trước, sản phẩm của tổ hợp tác mình làm ra không có nơi tiêu thụ nên chỉ làm cầm chừng, mục đích là để giữ nghề truyền thống. Nhưng nay, nhờ liên kết với HTX mà sản phẩm của tổ hợp tác, mình đã có một nơi để trưng bày và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều khách hàng đến thăm quan, mua sản phẩm và còn đặt hàng trước với số lượng lớn nên thu nhập của chị em dệt thổ cẩm cũng khá hơn trước.

Phụ nữ miền núi còn nhiều khó khăn để khởi nghiệp

Theo bà Phạm Thị Hồng Hải, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi, đa số phụ nữ vùng cao có ý tưởng khởi nghiệp, đều chưa được tiếp cận với các chuyên gia, tư vấn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kiến thức hội viên khởi nghiệp và tiếp cận thị trường hạn chế. Vì thế, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng với nhiều thị trường, chỉ kết nối ở thị trường nhỏ, chưa giới thiệu được nhiều sản phẩm ra ngoài tỉnh. 

Việc phát hiện, tìm kiếm ý tưởng của hội viên, phụ nữ ở cơ sở còn ít và nội dung sơ sài nên rất khó trong việc chọn sơ loại ý tưởng. Một bộ phận nhỏ chị em còn có tư tưởng tự ti, chưa mạnh dạn trong khởi nghiệp. Mặt khác, còn thiếu kiến thức về kỹ thuật, kỹ năng, phương pháp, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nguồn lực vật chất để thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế.

Từ thực tế trên, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi định hướng Hội LHPN các huyện miền núi căn cứ điều kiện, thực tiễn, đặc điểm văn hóa của từng địa phương để xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp nhằm hỗ trợ phụ nữ DTTS được tiếp cận với nguồn vốn, từ đó phát triển kinh tế hiệu quả. Đến nay, các cấp Hội của 5 huyện miền núi đã xây dựng 29 tổ liên kết/tổ hợp tác, có 439 thành viên tham gia và xây dựng 8 Hợp tác xã, có 85 thành viên tham gia.

Sản phẩm do phụ nữ miền núi làm nên được nhiều khách hàng ưa chuộng
Sản phẩm do phụ nữ miền núi làm nên được nhiều khách hàng ưa chuộng

Để có thể hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình tổ hợp tác, HTX vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các cá nhân, tập thể hiện thực hóa các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh; hướng dẫn để các cá nhân, tập thể hoàn thiện ý tưởng và triển khai thực hiện các ý tưởng/kế hoạch kinh doanh tại địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Cũng theo bà Hải, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ phụ nữ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình hợp tác xã phải theo chuỗi giá trị nhằm tập hợp nhiều hội viên, phụ nữ là các thành viên của HTX có quy mô sản xuất nhỏ thành quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh và đàm phán trên thị trường, góp phần hình thành những vùng nguyên liệu ổn định, quy mô sản lượng cao, chất lượng sản phẩm đồng đều.

 “Chúng tôi sẽ hỗ trợ khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khả thi tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách và hỗ trợ ứng dụng công nghệ số, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ”, bà Hải cho biết thêm.