Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Ngãi: Đầu tư tái định cư nhưng người dân không thể an cư

T.Nhân - CTV - 15:26, 08/08/2023

Để giúp người dân miền núi Quảng Ngãi, nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai được an toàn và an cư, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều khu tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, một số khu TĐC chưa thực sự giúp người dân có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất, khiến người dân không yên tâm.

Khu TĐC Đồng Tranh, thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai, huyện Minh Long chỉ lác đác vài hộ dân đến ở
Khu TĐC Đồng Tranh, thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai, huyện Minh Long chỉ lác đác vài hộ dân đến ở

Những ngày này, về khu TĐC Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long, chúng tôi ghi nhận đã có một số hộ dân đến ở. Hiện đã có 24 hộ dân ở vùng sạt lở núi, vùng sâu, vùng xa ở các thôn Gò Tranh Giữa, Gò Tranh Trên đồng ý về khu TĐC Gò Tranh. Trong đó, có 8 hộ đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở. Ông Đinh Ka Ni, ở thôn Gò Tranh Giữa chia sẻ, khi nhận được lô đất có diện tích 400m2 tại khu TĐC Gò Tranh, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì nơi ở mới khang trang và an toàn, lo là gia đình không đủ tiền làm nhà mới, nhưng được chính quyền hỗ trợ, ngôi nhà mới của tôi cũng đã hoàn thành. Mùa mưa năm nay không còn lo sạt lở nữa.

Còn tại khu TĐC tập trung ở trung tâm xã Sơn Long, huyện Sơn Tây cũng có khoảng 30 ngôi nhà sàn đã xây dựng hoàn thành. Đây là khu TĐC của các hộ dân vùng sạt lở núi ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long chuyển đến. Ông Hồ Văn Thâm, ở thôn Ra Pân cho hay: Nhà nước xây dựng khu TĐC khang trang, gần trường học, gần trạm y tế, đường sá rộng rãi bà con đi lại thuận lợi và an toàn.

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, chính quyền địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng. Các hội, đoàn thể và nhà thầu thi công đóng góp công dựng nhà, vận chuyển tài sản cho người dân đến nơi ở mới.

Đó chỉ là một vài khu TĐC được người dân đón nhận. Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều khu TĐC có tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Đơn cử tại khu TĐC Đồng Tranh, thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai, huyện Minh Long, với quy mô 3,9ha, xây dựng các hạng mục hạ tầng và 45 lô đất ở. Công trình này có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, được xây dựng vào tháng 8/2017. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khu TĐC Đồng Tranh chỉ có 11 lô đất được người dân nhận và xây dựng nhà ở, còn 34 lô đất chưa có chủ.

Nguyên nhân là do vướng quy định, chỉ những hộ nghèo chưa có nươi ở ổn định thì mới được bố trí TĐC ở đây, nhưng xã Long Mai hiện nay không còn hộ nào thuộc diện này. Ông Trần Văn Lịch Chủ tịch UBND xã Long Mai cho biết: Nhiều hộ sinh sống ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở núi trên địa bàn xã, mong muốn được vào ở khu TĐC Đồng Tranh nhưng chính quyền địa phương không thể giải quyết được. Vì vậy, đề nghị ngành chức năng xem xét điều chỉnh, mở rộng đối tượng được TĐC để vừa phát huy hiệu quả công trình, vừa ổn định cuộc sống cho người dân vùng ảnh hưởng của thiên tai.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng các khu TĐC, chủ đầu tư chưa chú ý đến điều kiện, phương thức sản xuất, dẫn đến tình trạng người dân “đóng cửa nhà mới, về ở nhà cũ” để ở cho gần nơi sản xuất. Điển hình là tại khu TĐC Gò Nổi, ở thôn Tây, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng. Mặc dù khu TĐC được xây dựng hạ tầng giao thông, công trình điện, nước sinh hoạt bài bản, nhưng chỉ sau một thời gian người dân lại về nơi ở cũ.

Nhiều nhà dân trong khu TĐC Gò Nổi, ở thôn Tây, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng
Nhiều nhà dân trong khu TĐC Gò Nổi, ở thôn Tây, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng

Một người dân khác cho hay: Được Nhà nước xây dựng khu TĐC rồi được hỗ trợ thêm tiền để làm nhà ở, ai cũng vui. Tuy nhiên, nơi ở mới lại cách xa nương rẫy, mỗi lần đi làm mất 4 - 5 tiếng đồng hồ. Để tiện sản xuất, người dân phải về lại nơi ỏ cũ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng 24/59 ngôi nhà được xây mới tại khu TĐC thường xuyên đóng cửa, dẫn đến hư hỏng, xuống cấp.

Theo lãnh đạo UBND xã Trà Sơn, để kéo người dân về khu TĐC, tránh lãng phí và đảm bảo an toàn cho bà con vùng lở núi, xã đã kiến nghị huyện đầu tư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Tuy nhiên, các hộ dân từ chối vì nơi ở hiện tại đã ổn định. Chính quyền xã và huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, cử người đến vận động, tuyên truyền người dân về khu TĐC ở để tránh sạt lở núi nguy hiểm đến tính mạng nhưng người dân không nghe.

Không chỉ có xã mà lãnh đạo huyện Trà Bồng cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để bà con an tâm sinh sống tại khu TĐC. Từ đó, một số hộ dân đã xuống làm nhà bếp, làm rào chắn xung quanh nhà để không cho gia súc vào phá. Nhưng chuyển cả gia đình về ở tại khu TĐC thì chưa có hộ dân nào thực hiện. 

Ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng xác nhận: Tình trạng người dân không hài lòng về các khu TĐC do huyện đầu tư là có thật. Trong đó, nguyên nhân chính là do đất sản xuất cách xa khu TĐC. “Lãnh đạo huyện đã đến tận nơi để đối thoại với bà con, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và động viên người dân về khu TĐC sinh sống. Đến nay, một số trường hợp vẫn quyết chưa rời núi, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục vận động. Chỉ có chuyển xuống sinh sống ở khu TĐC thì mới đảm bảo được an toàn và cuộc sống ổn định cho người dân”, ông Thảo chia sẻ thêm.