Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Nam: Tập trung nguồn lực để xoá nhà tạm cho người nghèo

H.Trường-T.Nhân - 05:28, 01/12/2023

Vấn đề giải quyết nhu cầu nhà ở đối với người dân thuộc khu vực miền núi, nhất là vùng DTTS khó khăn lâu nay là việc rất cấp thiết, luôn được tỉnh Quảng Nam quan tâm. Để dần giải quyết vấn đề trên, nhiều năm qua, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm tại Quảng Nam đã có nhiều chính sách, cũng như sự hỗ trợ về kinh phí để giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn cải thiện về nhà ở, chỗ ở.

Nhu cầu xoá nhà tạm, nhà tạm của người dân ở các huyện miền Quảng Nam còn rất cao
Nhu cầu xoá nhà tạm của người dân ở các huyện miền núi Quảng Nam còn rất cao

Chung tay xoá nhà tạm cho người nghèo

HĐND tỉnh Quảng Nam vừa thông qua Nghị quyết liên quan đến vấn đề xoá nhà tạm, nhà dột nát cho khoảng 15.000 gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các địa phương, nhất là các huyện miền núi đã tích cực triển khai. Bên cạnh nguồn vốn từ chính sách, các địa phương cũng linh hoạt sử dụng nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn.

Cụ thể, đối với nhà ở cho người nghèo, cận nghèo, có các chính sách như Quyết định số 167 ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48 ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và lồng ghép với Đề án do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Quảng Nam; Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 33 ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cho hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở.

Nhằm trợ lực cho người nghèo có nhà ở ổn định, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025. 

Theo đó, từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ dành hơn 407 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, quỹ an sinh xã hội và các nguồn đóng góp xã hội hóa để hỗ trợ xóa 15.735 nhà tạm, nhà dột nát; trong đó xây mới 8.675 nhà và sửa chữa 7.060 nhà. Chính sách này dành cho các đối tượng là người nghèo và gia đình chính sách. Định mức hỗ trợ cho 2 nhóm đối tượng này là 60 triệu đồng/nhà xây mới và 30 triệu đồng/nhà sửa chữa.

Tại miền núi Quảng Nam, nhiều người vẫn còn sống trong những ngôi nhà tạm bợ thiếu an toàn
Tại miền núi Quảng Nam, nhiều người vẫn còn sống trong những ngôi nhà cũ kỹ, thiếu an toàn

Riêng tại 6 huyện nghèo gồm, Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My và Bắc Trà My, sẽ có 8.179 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó hộ nghèo 7.606 nhà (xây mới 5.650 nhà; sửa chữa, nâng cấp 1.956 nhà), hộ cận nghèo 573 nhà (xây mới 286 nhà; sửa chữa, nâng cấp 287 nhà).

Định mức hỗ trợ cho nhóm đối tượng này, ngoài nguồn vốn hỗ trợ thực hiện từ Chương trình MTQG sẽ được hỗ trợ thêm 14 triệu đồng/nhà xây mới và 7 triệu đồng/nhà sửa chữa.

Ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Quảng Nam, cho biết: Trong những năm qua, các cấp, ngành ở địa phương rất quan tâm đến vấn đề hỗ trợ về nhà ở, sữa chữa nhà ở kiên cố cho người dân. MTTQVN tỉnh thường xuyên có những cuộc vận động các cấp, ngành, cũng như các nhà hảo tâm đóng góp để xây mới, sửa chữa nhà cho các hộ dân khó khăn. 

“Từ năm 2021 đến nay, UBMTTQVN tỉnh đã vận động hỗ trợ xây mới và sửa chữa 368 ngôi nhà với số tiền hơn 12 tỉ đồng. Ngoài ra, phía Mặt trận huyện và các xã cũng liên tục vận động, tham khảo từ các nguồn chính sách để hỗ trợ nhiều nhà đoàn kết, nhà tình nghĩa cho người dân”, ông Bình nói.

Các địa phương gấp rút triển khai

Bà Đinh Thị Ngơi, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn (huyện Đông Giang), cho biết, sau khi có các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người dân, chính quyền địa phương dã nhanh chóng triển khai đến với bà con địa phương. Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2021-2025, tại địa phương có gần 300 nhà tạm cần được xoá để xây dựng kiên cố. Ngay từ khi có các chính sách, xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát các trường hợp, phân loại và lên danh sách để tiến hành triển khai. "Tính đến nay, đã có 30 trường hợp trên địa bàn được xây dựng nhà ở kiên cố, đảm bảo ba cứng”, bà Ngơi thông tin.

Từ khi được phân bổ vốn, các địa phương đã khẩn trương thực hiện các chương trình xoá nhà tạm cho người dân trên địa bàn
Từ khi được phân bổ vốn, các địa phương đã khẩn trương thực hiện các chương trình xoá nhà tạm cho người dân trên địa bàn

Cũng theo bà Ngơi, kể từ khi có chính sách về hỗ trợ xây mới nhà ở, người dân địa phương rất phấn khởi. Trong thời gian đầu thực hiện, cũng có một số trường hợp người dân “so bì” vì có người được hỗ trợ cao (80 triệu) nhưng có người thấp; có người được hỗ trợ nhà và đất, có người chỉ được hỗ trợ tiền làm nhà… chính quyền địa phương đã tích cực giải thích để người dân hiểu và đồng thuận.

 Mục tiêu của xã là đến năm 2025 không còn nhà tạm bợ. Xã đã thành lập Ban chỉ đạo xoá nhà đạo xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn. Thời gian qua, xã đã lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ về nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG 1719, Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Quảng Nam và các nguồn huy động xã hội hoá từ các nguồn quỹ nhân đạo, vì người nghèo, từ nguồn hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn có các chương trình thiện nguyện về xoá dói, giảm nghèo; huy động nguồn vốn tự có của các gia đình…

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Theo rà soát, hiện nay ở địa phương có khoảng 1.425 nhà tạm. Huyện đã ban hành kế hoạch chung để triển khai thực hiện chương trình xoá nhà tạm cho người dân. Đối với trường hợp xây nhà mới, thì mỗi trường hợp được hỗ trợ 60 triệu đồng, 30 triệu đồng đối mỗi nhà sữa chữa. Địa phương đã triển khai xoá 129 nhà tạm theo nguồn vốn từ Chương trình MTQG về giảm nghèo, từ nguồn vốn khác là 165 nhà, tổng cộng đã xây mới 295 nhà. Dự kiến trong năm 2024, sẽ tiếp tục xoá hơn 600 nhà tạm, số còn lại sẽ được thực hiện trong năm 2025.

Người dân rất phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ xây nhà mới, có chỗ ở kiên cố
Người dân rất phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ xây nhà mới, có chỗ ở kiên cố

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay: Huyện đang vận dụng nhiều nguồn vốn từ các Chương trình MTQG và một số nguồn vốn từ các chính sách khác để hỗ trợ cho người dân khó khăn về nhà ở trên địa bàn xoá nhà tạm, xây dựng nhà cho người dân. Trong những năm qua, địa phương đã xoá hơn 500 nhà tạm cho người dân khó khăn trên địa bàn. Tuy nhiên, tại địa phương cũng phát sinh liên tục những trường hợp mới nên cũng gặp không ít khó khăn.

Tương tự, các huyện khác như: Phước Sơn, Nam Trà My, Nam Giang… cũng đang khẩn trương thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hàng ngàn hộ dân. Theo một số lãnh đạo địa phương, khó khăn hiện nay trong việc thực hiện xoá nhà tạm, là do địa hình các huyện miền núi có độ dốc nên tìm mặt bằng để bố trí quỹ đất gặp khó; tại một số địa phương nguồn lực đối ứng của người dân còn hạn chế, trong khi giá nguyên vật liệu ngày càng cao, nhưng kinh phí hỗ trợ còn thấp.

Theo ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh, đây là một chương trình mang ý nghĩa lớn nhưng số tiền hỗ trợ xây nhà mới còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, Vì thế, đề nghị UBND tỉnh thống nhất cho phép các địa phương lồng ghép nguồn vốn xóa nhà tạm từ nguồn ngân sách tỉnh, với các nguồn xã hội hoá của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng được ngôi nhà đảm bảo ba cứng, phòng, tránh được bão lũ, thiên tai.