Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Nam: Quyết tâm xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

T.Nhân-H.Trường - 05:05, 13/12/2023

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó đồng bào DTTS có khoảng hơn 128.500 người. Trước đây, do nhiều nguyên nhân, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) diễn ra khá nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng với việc triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, tình trạng trên đã có sự chuyển biến tích cực.

Tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều hội thi tuyên truyền phòng chống TH&HNCHT trong trường học
Tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều hội thi tuyên truyền phòng chống TH&HNCHT trong trường học

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch 5804/KH-UBND ngày 1/9/2021 về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS; trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc, nhất là ở cơ sở xã, thôn, nóc phải được tiếp tục tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng vận động tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về TH&HNCHT.

Để hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh truyền thông về Luật Hôn nhân và Gia đình, tổ chức các hội thi, sáng tác thơ, biểu diễn các tiểu phẩm, các hình thức sân khấu hoá về chủ đề phòng chống TH&HNCHT; xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về hệ lụy của TH&HNCHT trên các phương tiện truyền thông; trình chiếu phim tư liệu cho người dân và học sinh ở vùng địa bàn DTTS xem nhằm thay đổi nhận thức về TH&HNCHT.

Tại một số địa phương miền núi đã đưa nội dung phòng chống TH&HNCHT vào các hương ước, quy ước. Đơn cử như ở huyện Tây Giang, để cụ thể hóa các nội dung xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã đưa tiêu chí “Nói không với tảo hôn, nói không với HNCHT” vào hương ước các dòng họ, quy ước thôn, khu dân cư; đồng thời thành lập các câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, “Không tảo hôn”, “Gia đình hạnh phúc”. Nhờ đó, Tây Giang ngăn ngừa được tình trạng TH&HNCHT trong cộng đồng, từng bước giảm nguy cơ vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

: Các học sinh Giẻ Triêng ở Phước Sơn hăng hái tham gia các hội thi về pháp luật
Các học sinh Giẻ Triêng ở Phước Sơn hăng hái tham gia các hội thi về pháp luật

Hay như tại huyện Nam Trà My, trước kia việc duy trì sĩ số ở Trường PTDTNT Nam Trà My luôn là một thách thức lớn, bởi học sinh bỏ học do tảo hôn. Nhận thấy việc tuyên truyền bằng phương pháp phổ biến kiến thức thông thường trên lớp không mang lại hiệu quả như mong muốn, Ban Giám hiệu nhà trường đã thay đổi cách tiếp cận. Nhà trường phối hợp với Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện Nam Trà My xây dựng phóng sự truyền hình về cuộc sống khó khăn của chính những học sinh của trường nghỉ học do tảo hôn trong những năm qua, chiếu trong các giờ ngoại khóa; tổ chức các hội thi, hội diễn tìm hiểu về chủ đề TH&HNCHT… Từ những hình ảnh thực tế sinh động đó đã tác động đến nhận thức của các em học sinh người DTTS.

Theo già làng Hồ Văn Lâm, ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My cho biết, thời gian qua việc phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho các đồng bào DTTS ở địa phương được thực hiện tốt. Tuy nhiên, hủ tục lạc hậu này vẫn chưa được xoá bỏ triệt để, do quan niệm về quan hệ cận huyết thống, kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, giữ được của cải. Ngoài ra, còn có  tư tưởng muốn con kết hôn sớm để khỏi gánh nặng cha mẹ còn xảy ra ở một số nơi...vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Tại huyện Đông Giang, thực hiện kế hoạch giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND huyện tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2023. Thông qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng, gia đình, các em học sinh trong việc chấp hành pháp luật, nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT.

Còn tại huyện Nam Giang, ngoài các hình thức tuyên truyền tập trung, cán bộ Hội Phụ nữ các xã còn đến tận nhà, dùng tiếng đồng bào DTTS và những hình ảnh trực quan để tuyên truyền, giúp người dân hiểu hơn về những hệ luỵ của TH&HNCHT. 

Anh Bling Uy, người Cơ Tu, sống ở xã Tà Pơ (Nam Giang) cho biết: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm, chị em phụ nữ tuyên truyền, bản thân tôi sẽ giáo dục con không được kết hôn sớm; tôi cũng tuyên truyền bà con trong làng giáo dục con mình, không cho kết hôn sớm; nữ đủ 18 tuổi trở lên, nam phải đủ 20 tuổi mới được lấy nhau.

 “Rung chuông vàng” phòng chống tảo hôn vào trường học

Ông Hồ Văn Thành, Phó Trưởng phòng Chính sách và Tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết: Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các địa phương miền núi xây dựng mô hình tuyên truyền về đẩy lùi TH&HNCHT trong nhà trường, khu dân cư.

 Đơn vị phối hợp với các đơn vị trường học, phòng Dân tộc các huyện tổ chức các hoạt động ngoại khóa “Học sinh với bình đẳng giới”; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nạn TH&HNCHT, Luật sức khỏe sinh sản vị thanh niên; Tổ chức Diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp - Tuổi trẻ học đường nói không với TH&HNCHT và bạo lực học đường…

Nhiều cuộc thi cho học sinh các trường tìm hiểu, chia sẻ kiến thức pháp luật
Việc tổ chức nhiều cuộc thi đã khuyến khích được các học sinh các trường tìm hiểu, chia sẻ kiến thức pháp luật

Đặc biệt, mới đây, Ban dân tộc tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Phước Sơn, tổ chức cuộc thi “Rung chuông vàng” phòng, chống TH&HNCHT, thu hút rất nhiều em học sinh tham gia.

 Mặc dù là ngày Chủ nhật, song tại nhà đa năng Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Phước Sơn vẫn rất đông học sinh. Các học sinh đến đây để tham gia hội thi “Rung chuông vàng”, với chủ đề nói không với TH&HNCHT. Đây là dịp để các em bổ sung kiến thức để bảo vệ sức khoẻ, đồng thời chia sẻ những hiểu biết cho các bạn cùng trang lứa hiểu và tránh được các vấn nạn liên quan đến TH&HNCHT.

Với 150 câu hỏi liên quan đến các vấn đề về Luật hôn nhân gia đình, về hệ luỵ của TH&HNCHT; hậu quả của quan hệ tình dục khi chưa đủ tuổi; một số quy định pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, kế hoạch hoá gia đình… để học sinh tham gia cuộc thi trả lời. Vượt qua 149 thí sinh cùng trường, em Lê Như Ngọc (học sinh lớp 10/1, Trường PTDTNT Phước Sơn) đã giành giải nhất.

Hội thi “Rung chuông vàng” vừa là sân chơi, vừa là nơi các em học sinh học hỏi, trao đổi kiến thức về phòng chống TH&HNCHT, sức khoẻ vị thành niên
Hội thi “Rung chuông vàng” vừa là sân chơi, vừa là nơi các em học sinh học hỏi, trao đổi kiến thức về phòng chống TH&HNCHT, sức khoẻ vị thành niên

Em Ngọc chia sẻ: Khi Nhà trường thông báo có cuộc thi “Rung chuông vàng”, em đã tìm hiểu nhiều thông tin liên quan đến các chủ đề cuộc thi và tham gia. Đây là sân chơi lành mạnh, bổ ích đối với chúng em. Qua cuộc thi, chúng em biết được thêm nhiều kiến thức pháp luật, những hệ luỵ của TH&HNCHT và nhiều kiến thức, kỹ năng sống để trang bị cho mình.

Bà Trần Thị Hảo, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cho biết: Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế, Huyện đoàn đã tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống tảo hôn và sức khoẻ sinh sản vị thành niên. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho các em trong độ tuổi thành niên hiểu biết về nguyên nhân, hệ luỵ của TH&HNCHT. Chúng tôi mong muốn, mỗi em học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực để tiếp tục vận động bà con, anh em trong dòng tộc thực hiện tốt pháp luật về phòng, chống TH&HNCHT.

Hy vọng với những chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, cùng sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Quảng Nam và chính quyền các huyện miền núi, tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS hoàn toàn chấm dứt trong năm 2025.