Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Nam: Hợp tác xã tham gia xây dựng nông thôn mới

Công Tú - 18:53, 23/11/2022

Xây dựng xã nông thôn mới không thể thiếu sự tham gia của kinh tế tập thể, với nòng cốt là hợp tác xã. Vai trò của hợp tác xã không chỉ thể hiện ở tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập.

Người dân xã Tư liên kết để trồng, bán nguyên liệu chè dây cho HTX. Ảnh: C.T
Người dân xã Tư liên kết để trồng, bán nguyên liệu chè dây cho HTX. Ảnh: C.T

Tại huyện Đông Giang (Quảng Nam), Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tư chủ trì Dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chè dây Ra zéh (một sản vật bản địa). Để thực hiện Dự án, HTX phối hợp vận động người dân chuyển đổi cánh đồng hoa màu kém hiệu quả, rừng keo sang trồng chè dây chuyên canh, mời họ tham gia thành viên.

“Chúng tôi cam kết bao tiêu vùng nguyên liệu, chế biến, kinh doanh cung cấp sản phẩm ra thị trường. Từ việc liên kết, HTX đã giúp tạo thu nhập ổn định cho hơn 20 hộ, trong đó hơn 90% hộ đồng bào Cơ Tu”, ông Lê Duy Trường, Giám đốc HTX nói.

Nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng cây chè dây, HTX Nông nghiệp xã Tư tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng cây chè dây, HTX Nông nghiệp xã Tư tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Tham gia Chương trình OCOP, HTX Nông nghiệp xã Tư đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư máy móc chế biến quy mô lớn, nên sản phẩm chè dây chất lượng ổn định. Đến nay, 2 sản phẩm đã được công nhận OCOP, gồm chè dây đạt chuẩn 4 sao, trà túi lọc đạt 3 sao.

HTX giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng; còn hộ bán nguyên liệu liên kết trồng chè thu về hơn 25 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ nguồn thu nhập này, người dân có điều kiện chăm lo cho gia đình, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần để xã Tư được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2019.

Cuối năm 2015, xã Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành) cũng đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, cuối năm 2021 địa phương tiếp tục được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thành quả nêu trên có sự đóng góp của HTX Nông nghiệp An Phú, với 1.067 hộ thành viên.

Năng động trước cơ chế thị trường, HTX đứng ra đàm phán, ký kết hợp đồng với nhiều doanh nghiệp để nông dân yên tâm sản xuất, vì sản phẩm làm ra sẽ được bao tiêu với giá ổn định. Một cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng được thiết lập, sẵn sàng đầu tư ứng trước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân.

Sản phẩm chè dây Ra zéh của HTX Nông nghiệp xã Tư được sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị
Sản phẩm chè dây Ra zéh của HTX Nông nghiệp xã Tư được sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị

“HTX tạo điều kiện cho các thành viên khó khăn có đủ điều kiện sản xuất, để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ vậy, họ chuyên tâm lo cho đồng áng, có thu nhập và góp một phần xóa đói giảm nghèo”, ông Đỗ Vạn Thống, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Phú chia sẻ. Được biết, HTX còn đồng hành cùng địa phương chăm lo cơ sở hạ tầng, riêng năm 2021 triển khai xây dựng được 5 tuyến kênh.

Diện mạo mới

Theo ông Võ Bảy, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các HTX có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập. Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh, kinh tế tập thể mà nòng cốt HTX, là nhân tố không thể thiếu trong quá trình thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt trong những năm gần đây, từ yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế hợp tác, HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả; hoạt động được nâng cao, với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn.

Diện mạo làng quê nông thôn mới xã Tam Xuân (huyện Núi Thành) ngày càng khởi sắc. Ảnh: T.C
Diện mạo làng quê nông thôn mới xã Tam Xuân (huyện Núi Thành) ngày càng khởi sắc. Ảnh: T.C

HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Trên một số lĩnh vực khác, các HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động.

Ông Võ Bảy cho biết, không ít HTX nhanh chóng thích nghi cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp trong việc sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên.

Điển hình như khi tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, giá mua sản phẩm nguyên liệu đầu vào của HTX đối với thành viên tăng 20 - 30%. Chẳng hạn trước đây, HTX Nông nghiệp Đại Thắng (Đại Lộc) mua đậu phụng có giá 27 nghìn đồng/kg, sau khi tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị thì tăng lên 41 nghìn đồng/kg.

HTX Nông nghiệp Bình Đào (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình), HTX Nông nghiệp Duy Hòa 2 (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) hay HTX Nông nghiệp I Điện Phước (xã Điện Phước, huyện Điện Bàn) đã chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ hoặc chiết khấu trực tiếp cho thành viên khi sử dụng sản phẩm.

Diện mạo huyện nông thôn mới Núi Thành hôm nay
Diện mạo huyện nông thôn mới Núi Thành hôm nay

Hiệu quả kinh tế được cải thiện đáng kể đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thay đổi diện mạo nông thôn mới. Đến nay, địa bàn tỉnh có 138 HTX trong xã đạt chuẩn nông thôn mới.