Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Nam: Dân thấp thỏm lo biển “nuốt” nhà

T.Nhân-H.Trường - 06:59, 30/12/2023

Nhiều năm qua, khu vực bờ biển thuộc thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) luôn đặt trong tình trạng báo động về sạt lở. Đáng nói, mức độ sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân. Lo sợ biển “nuốt nhà, người dân địa phương phải bỏ tiền túi mua hàng nghìn cây tre về làm cọc gia cố tạm thời, chờ Nhà nước đầu tư xây dựng kè biển.

Ông Phan Văn Vị lo lắng vì biển ngày càng sạt lở, ăn sâu vào đất liền
Ông Phan Văn Vị lo lắng vì biển ngày càng sạt lở, ăn sâu vào đất liền

Sau những đợt mưa lớn vừa qua, tại thôn Trung Phường có hơn 1km bờ biển bị sạt lở, tạo thành bờ vực cao khoảng 1m và hở hàm ếch sâu hơn 0,5m, làm hư hỏng 2 nhà dân; nhiều cây dương liễu trồng dọc bờ biển ngã đổ, bị cuốn trôi. Để hạn chế tình trạng này, người dân địa phương dùng máy đóng cọc tre xuống cát thành vòng cung quanh khu sạt lở với chiều dài khoảng 200m để bảo vệ nhà cửa, đất đai.

Nhà của ông Trương Công Trực (thôn Trung Phường) chỉ nằm cách đoạn bờ biển sạt lở chừng 15m, khiến ông luôn nơm nớp lo sợ sóng biển sẽ cuốn đi ngôi nhà mà các thành viên trong gia đình đã tích góp xây dựng. Ông Trực cho biết: Đợt mưa lớn kéo dài khiến bờ biển bị sóng phá tan hoang. Không chỉ vậy, nước biển còn khoét vào trước nhà, tạo thành con lạch nhỏ sâu hơn 1m kéo dài từ trước cổng ra đến bờ biển. 

“Nhìn những ngôi nhà của các hộ dân khác bị hư hỏng, sụp đổ, tôi lo lắm. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, ngôi nhà của tôi sụp đổ lúc nào không hay. Mùa mưa gió, các thành viên trong gia đình tôi đều phải di dời đến vùng cao ráo để ở tạm đến khi nào trời nắng ráo, hết nguy hiểm mới dám trở về nhà”, ông Trực lo lắng.

Sạt lở bờ biển nghiêm trọng đoạn qua thôn Trung Phường, xã Duy Hải
Sạt lở bờ biển nghiêm trọng đoạn qua thôn Trung Phường, xã Duy Hải

Cạnh đó, ngôi nhà của con trai ông đã bỏ hoang vì biển uy hiếp. “Căn nhà đó được vợ chồng con trai tôi dành dụm xây dựng vào năm 2015. Tuy nhiên, trong đợt mưa bão năm 2019, ngôi nhà bị thổi bay mái che, sóng biển cũng liếm sát tới vách nhà khiến vợ chồng nó phải bỏ để đi kiếm nơi ở mới. Ngôi nhà giờ chỉ nằm cách bờ biển vài ba mét, trước sau gì cũng bị triều cường quật sập, cuốn trôi ra biển”, ông Trực nói trong lo lắng.

Trong khi đó, ông Phan Văn Vị (thôn Trung Phường) cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, vào mùa mưa bão, bờ biển liên tục bị sóng biển ngoạm vào khá sâu, đe dọa đời sống người dân. Đợt vừa rồi, người dân địa phương đóng góp công sức và khoảng 100 triệu đồng để mua hàng nghìn cây tre về chôn sâu khoảng 2 - 2,5m dưới lớp đất cát để ngăn cản sóng đánh vào bờ. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Khi chưa có hàng rào chắn, sóng biển đánh vào bờ rất mạnh, nhiều lớp đất đá bị cuốn trôi ra biển.

Một công trình nhà ở nằm trơ trọi ngoài biển do sạt lở kéo dài nhiều năm
Một công trình nhà ở nằm trơ trọi ngoài biển do sạt lở kéo dài nhiều năm

“Hiện tại ngôi nhà của tôi cách điểm sạt lở khoảng 100m, nếu tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn thì ngôi nhà này có nguy bị xóa sổ. Về lâu dài, tôi và người dân địa phương mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây kè cứng để ngăn chặn tình trạng sạt bờ lở biển. Người dân mong muốn được ở lại đây vì thuận lợi cho việc làm ăn, chỉ mong chính quyền sớm có giải pháp xây kè chắc chắn”, ông Vị nói.

Theo người dân địa phương, trước đây bờ biển nằm cách khu dân cư này hơn 1km, có hàng chục ngôi nhà của người dân định cư ở đây. Nhưng do ảnh hưởng sóng biển, nhiều ngôi nhà đã sụp đổ hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương đã vận động được một số hộ đến khu đất cao ráo để định cư, còn phần lớn hộ dân ở đây mong muốn, các cấp chính quyền xây dựng kiên cố bờ kè để họ yên tâm ở lại sản xuất nông nghiệp và làm nghề biển.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Siêm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết: Mỗi năm bờ biển thôn Trung Phường bị sạt lở từ 15 - 20m, nhưng kể từ năm 2018 có thời điểm sạt lở ăn sâu vào đất liền đến gần 500m. Sạt lở bờ biển khiến 35 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng đến đất vườn, nhà cửa; trong đó có 12 hộ có nguy cơ cao vì bị ảnh hưởng liền kề tiếp giáp với đoạn sạt lở.

“Từ năm 2021 đến nay, mưa bão diễn biến khá phức tạp và thường xuất hiện nhiều đợt gió mùa đông bắc đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển của thôn Trung Phường, sâu vào đất liền hơn 70m. Hiện giờ, một số nhà dân ở đây chỉ còn cách bờ biển khoảng hơn 10m và luôn sống trong lo lắng. Chính quyền xã Duy Hải mong muốn các cấp, các ngành sớm quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng đoạn kè chống sạt lở bờ biển tại thôn Trung Phường nhằm ổn định cuộc sống của Nhân dân” ông Siêm đề xuất.

Người dân đầu tư tiền và công sức để đóng cọc tre giảm tình trạng sạt lở
Người dân đầu tư tiền và công sức để đóng cọc tre giảm tình trạng sạt lở

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc tăng cường theo dõi, phối hợp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. 

Trong đó, chú ý các khu vực bờ sông, bờ biển đang có hiện tượng sạt lở như bờ biển Cửa Đại (Hội An), bờ biển thôn An Lương đến thôn Trung Phường của xã Duy Hải (Duy Xuyên), bờ biển thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh (Tam Kỳ), bờ biển thôn Bình Trung, xã Tam Hải, bờ biển thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến (Núi Thành).

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu, các địa phương tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và vùng ven biển, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.