Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Bình: Thành tựu sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719

Phạm Tiến - 19:14, 12/05/2024

Quảng Bình bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) với một tâm thế chủ động, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Qua 3 năm triển khai thực hiện, nhiều nội dung, tiểu dự án thành phần, Dự án trong Chương trình MTQG 1719 đã đi sâu và tác động tích cực đến đời sống đồng bào các DTTS ở tỉnh Quảng Bình. Để có cái nhìn tổng quát hơn, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình về triển khai Chương trình MTQG 1719 tại địa phương.

Ông Trần Thắng-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trả lời phỏng vấn Báo Dân tộc và Phát triển về thành tựu sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719
Ông Trần Thắng-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

Pv: Xin ông cho biết vai trò, ý nghĩa của Chương trình MTQG 1719 đối với sự phát triển toàn diện của đồng bào DTTS ở tỉnh ta?

Trước khi có chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719, các Chương trình, chính sách dân tộc và công tác dân tộc luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền ở tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, Quảng Bình là một tỉnh còn khó khăn, ngân sách phụ thuộc vào hỗ trợ từ trung ương. Do đó nguồn lực đầu tư còn ít, chưa thể đáp ứng được các nhu cầu đầu tư rất lớn của vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn. Bên cạnh đó, địa bàn vùng DTTS và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo rất cao nên không thể huy động nguồn lực từ cộng đồng để xã hội hóa đầu tư.

Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện có vai trò, ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển toàn diện của đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Bình. Chương trình với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần được triển khai toàn diện trên các mặt kinh tế, văn hóa xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chương trình MTQG 1719 góp phần đa dạng hóa sinh kế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… Các dự án trong Chương trình MTQG 1719 được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn; tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách như hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất, hỗ trợ xây dựng phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ bảo vệ rừng; đào tạo, chuyển đổi nghề... 

Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình đã phát huy vai trò, tính chủ động, tham gia thực hiện của chính quyền địa phương, sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng và Nhân dân; khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo bền vững; bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa gắn với gắn với củng cố quốc phòng, an ninh...

Pv: Xin ông cho biết, Quảng Bình đã bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG 1719 với một quyết tâm như thế nào?

Với tâm thế chủ động, ngay sau khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết liên quan đến Chương trình MTQG 1719 như Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và các địa phương chủ động rà soát, tổng hợp và báo cáo Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để triển khai Chương trình MTQG 1719. Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh kịp thời thành lập, kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc và bộ, ngành có liên quan.

Từ nguồn vốn chính sách dân tộc, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS Quảng Bình đã được bảo tồn và phát huy. (Trong ảnh: Lễ hội gieo hạt của người Vân Kiều, bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Từ nguồn vốn chính sách dân tộc, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS Quảng Bình đã được bảo tồn và phát huy. (Trong ảnh: Lễ hội gieo hạt của người Vân Kiều, bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

Căn cứ Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/6/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản có liên quan. UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 1722/KH-UBND ngày 20/9/2022 về thực hiện Chương trình MTQG 1719 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, để chủ động, đảm bảo các cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 21 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 16 Quyết định, 09 Kế hoạch và 06 văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Ngoài ra, các sở, ngành có liên quan ban hành nhiều văn bản liên quan để triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) ngày càng được cải thiện. (Trong ảnh: Một góc bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch ).
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) ngày càng được cải thiện. (Trong ảnh: Một góc bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch ).

Pv: Xin ông cho biết sau 03 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, đời sống, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở tỉnh ta đã chuyển biến như thế nào?

Sau hơn 03 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, Quảng bình đã đặt được một số kết quả tích cực. Vùng đồng bào DTTS và miền núi có chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh được thu hẹp. Một số chỉ tiêu cụ thể đạt được như sau: Tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm 8.05%/năm (chỉ tiêu kế hoạch giảm trên 4,5%/năm); tỷ lệ xã có đường ô tô về đến trung tâm rải nhựa hoặc bê tông 100%; đầu tư xây dựng 12,6 km đường giao thông liên xã; đầu tư xây dựng mới 01 chợ biên giới; cứng hóa 15 km đường giao thông nông thôn; số trạm y tế được xây dựng kiên cố 100%; tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 100%; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế 100% (chỉ tiêu kế hoạch 100%)...

Bên cạnh đó, Chương trình đã hỗ trợ nhà ở cho 206 hộ; hỗ trợ đất ở cho 02 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 16 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 348 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 858 hộ; hỗ trợ cho vay làm nhà ở 88 hộ; vay chuyển đổi nghề 122 hộ... Những kết quả đạt được sẽ là động lực quan trọng để tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình MTQG 1719 trong nhưng những năm tiếp theo.

Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn Báo Dân tộc và Phát triển!