Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quan Sơn (Thanh Hóa): Trên đường thoát khỏi huyện nghèo

PV - 10:40, 17/05/2019

Quan Sơn là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có trên 90% đồng bào DTTS, hộ nghèo và cận nghèo chiếm đa số. Những năm qua, nhờ được thụ hưởng các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng và đời sống của đồng bào đang ngày một nâng cao.

Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Là huyện nghèo, biên giới với 12/13 xã thị trấn thuộc vùng ĐBKK nên Quan Sơn được thụ hưởng đầy đủ các chính sách đầu tư phát triển vùng DTTS, miền núi của Nhà nước như Chương trình 134, 135, 30a, Nông thôn mới (NTM)… Những năm qua huyện đã triển khai hiệu quả các chính sách để tạo nên nguồn lực giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Công tác giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí luôn được địa phương quan tâm chú trọng. (Trong ảnh: Học sinh Trường DTNT Quan Sơn cùng tìm hiểu thông tin qua sách báo). Công tác giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí luôn được địa phương quan tâm chú trọng.
(Trong ảnh: Học sinh Trường DTNT Quan Sơn cùng tìm hiểu thông tin qua sách báo).

Từ năm 2014-2019, bằng nguồn vốn của các dự án, chính sách với hơn 779 tỷ đồng, huyện đã xây dựng được 279 công trình xây dựng cơ bản phục vụ phát triển kinh tế -xã hội. Đến nay, cơ bản huyện không còn hộ đói, hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 5-6%. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện chiếm 41,87%, đến cuối năm 2018, giảm xuống còn 17,95%. Đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều xã giảm mạnh trên 10%, điển hình như xã: Trung Xuân, Sơn Hà, Sơn Lư, Trung Hạ, Trung Tiến… vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cũng tăng từ 5,65 triệu đồng lên 10,4 triệu đồng; số hộ nghèo ở nhà tạm từ 727 hộ giảm xuống còn 400 hộ. 93/99 bản có điện lưới quốc gia; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa… Đặc biệt, trong xây dựng NTM, toàn huyện đạt mức bình quân 9,28 tiêu chí, có một xã biên giới đầu tiên về đích NTM của toàn tỉnh đó là xã Tam Lư.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Điều đáng mừng là từ việc tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách dân tộc đã làm thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cũng như tập quán canh tác lạc hậu của Nhân dân.

Nhiều hộ gia đình đã áp dụng khoa học-kỹ thuật để phát triển kinh tế hộ gia đình. Theo đó, nhiều mô hình được triển khai đã mang lại hiệu quả, nâng cao đời sống đồng bào như mô hình chăn nuôi bò, vịt, dê, trồng dược liệu, và phát triển cây thế mạnh của địa phương như vàu, nứa, luồng… Đến nay, nhiều hộ đã ổn định kinh tế, xin ra khỏi hộ nghèo.

Chị Nguyễn Thị Lan, bản Bá, xã Trung Hạ cho biết: “Gia đình tôi trước đây thuộc hộ nghèo, tuy nhiên những năm qua, được hỗ trợ vay vốn và hướng dẫn cách làm ăn, gia đình tôi đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn cỏ, duy trì từ 50 đến 65 con lợn. Đồng thời, tôi cũng trồng 2ha rừng luồng. Nguồn thu từ chăn nuôi và trồng rừng đã đem lại thu nhập ổn định giúp tôi nuôi con cái đi học. Tôi vô cùng phấn khởi”, chị Lan chia sẻ.

Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn khẳng định: Huyện có trên 90% đồng bào DTTS, có trên 50% dân số là hộ nghèo hộ cận nghèo thì việc thực hiện chính sách dân tộc, gắn với công tác giảm nghèo nhanh bền vững là một trong những trụ cột quan trọng trong sự phát triển.

“Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ làm tốt công tác chính trị tư tưởng để nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, khơi dậy sức dân, đoàn kết các dân tộc. Đồng thời, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đến năm 2020 đưa Quan Sơn thoát khỏi huyện nghèo”, ông Đạt cho biết thêm.

QUỲNH TRÂM