Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh trên đà phát triển mạnh mẽ

PV - 09:15, 03/05/2023

Nhận lời mời của Hoàng gia Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, từ ngày 4 - 6/5/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III diễn ra tại Vương quốc Anh.

Chân dung Nhà vua Charles III. (Ảnh: Cung điện Buckingham)
Chân dung Nhà vua Charles III. (Ảnh: Cung điện Buckingham)

“Nước Anh toàn cầu” hướng tới hợp tác cùng phát triển

Là quốc đảo nằm ở Tây Âu, nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Biển Bắc, Anh là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Ấn Độ), là một trong những nền kinh tế toàn cầu hóa nhất thế giới, với chính sách tự do thương mại, chống bảo hộ. London là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới cùng với New York và Tokyo. Các ngành kinh tế mũi nhọn của Anh gồm: ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; sản xuất thép, đóng tàu, khai thác than; các ngành công nghiệp hóa chất, điện tử; viễn thông, công nghệ cao; dệt, may mặc.

Thương mại của Anh đứng thứ 6 thế giới, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân (xuất khẩu chiếm khoảng 20% GDP). Thị trường chủ yếu của Anh là Liên minh châu Âu (EU), chiếm 53% tổng xuất khẩu và 52% tổng nhập khẩu của Anh. Hàng xuất khẩu chủ yếu gồm sản phẩm dịch vụ, công nghiệp chế tạo, chất đốt, hóa chất, lương thực, đồ uống, thuốc lá trong khi hàng nhập khẩu chủ yếu gồm nguyên nhiên liệu, sản phẩm công nghiệp chế tạo, lương thực.

Anh nằm trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Tổng đầu tư của Anh là khoảng 300 tỷ USD (14% GDP); đứng thứ 5 thế giới về đầu tư ra nước ngoài, chiếm khoảng 6,5% tổng đầu tư của thế giới và đứng thứ 2 thế giới về nhận đầu tư nước ngoài.

 Một góc thủ đô London. (Ảnh: Reuters)
Một góc thủ đô London. (Ảnh: Reuters)


Về chính sách đối ngoại, Anh là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), đứng đầu Khối Thịnh vượng chung gồm 54 nước, thành viên của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, có quan hệ ngoại giao với 165 nước.

Ngày 24/12/2020 đánh một dấu mốc quan trọng với nước Anh khi Chính phủ Anh và Ủy ban châu Âu đạt Thỏa thuận về quan hệ Anh-EU hậu Brexit, chính thức hoàn tất tiến trình Anh rời EU.

Từ 2016 đến nay, Anh triển khai mạnh chính sách “nước Anh toàn cầu”. Anh củng cố và phát triển quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hậu Brexit, Anh đẩy mạnh việc ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhằm duy trì quan hệ thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa của mình. Anh là một trong số những nước đứng đầu về số lượng các thỏa thuận thương mại và FTA trên thế giới.

Về quan hệ hợp tác Anh-ASEAN, Anh tham gia Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị Đông Nam Á (TAC) từ năm 2012. Anh đã cử Đại sứ kiêm nhiệm tại ASEAN từ năm 2015, cử Đại sứ chuyên trách và lập Phái đoàn tại ASEAN từ tháng 11/2019. Anh đang từng bước thúc đẩy quan hệ hợp tác và trao đổi giữa hai bên; kim ngạch thương mại ASEAN-Anh đạt 47,18 tỷ USD/năm và Anh là nhà đầu tư lớn thứ 8 của ASEAN. Anh đã nộp đơn trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN (6/2020), xin làm quan sát viên tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và được chấp thuận trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN (8/2021).

(Tin dẫn) Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh trên đà phát triển mạnh mẽ 3

Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh

Dấu mốc trong quan hệ Việt Nam-Anh

(Nguồn: Bộ Ngoại giao)

11/9/1973: Thiết lập quan hệ ngoại giao.

9/2010: Ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh.

30/9/2020: Ra Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên, khẳng định hướng tới nâng quan hệ lên mức cao hơn trong 10 năm tới.

29/12/2020: Chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do trên nguyên tắc kế thừa EVFTA.

Được thiết lập năm 1973, quan hệ giữa Việt Nam và Anh phát triển mạnh mẽ. Tháng 3/2008, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung khẳng định thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định theo hướng “Quan hệ Đối tác vì sự phát triển”. Nhân chuyến thăm Anh của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tháng 9/2010, hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab (9/2020), hai bên đã ra Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên và khẳng định hai bên hướng tới nâng quan hệ lên mức cao hơn trong 10 năm tới.

Hợp tác kinh tế-thương mại là điểm sáng

Về quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, quan hệ thương mại Việt Nam và Anh tăng nhanh từ những năm 1990 đến nay. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Anh đạt khoảng 6,836 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2021.

Đối với Việt Nam, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu. Hai bên đã chính thức ký FTA vào ngày 29/12/2020 trên nguyên tắc kế thừa EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh.

Về đầu tư, Anh đứng trong top 20 nước hàng đầu có vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/10/2022, Anh có 494 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, đến tháng 6/2022, Việt Nam có 13 dự án đầu tư sang Anh và 3 dự án tăng vốn với tổng vốn 13,9 triệu USD.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew, ngày 28/4/2023. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew, ngày 28/4/2023. (Ảnh: TTXVN)

Những nhịp cầu gắn kết giữa hai nước

Hợp tác Việt Nam-Anh cũng gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong các lĩnh vực khác. Về hợp tác quốc phòng-an ninh, hai bên trao đổi nhiều đoàn quốc phòng và an ninh; đẩy mạnh hợp tác đào tạo, trao đổi thông tin, mua bán trang thiết bị. Bộ trưởng Quốc phòng Anh lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam vào tháng 7/2021.

Về khoa học-công nghệ, Anh tham gia hoạt động hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, nghiên cứu và đổi mới thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở Việt Nam. Ngày 3/6/2015, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại sứ Anh tại Hà Nội đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Chương trình Newton Việt Nam) nhằm nghiên cứu, thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở Việt Nam với hỗ trợ 10 triệu Bảng Anh cho giai đoạn từ 2015-2019 (đã hết hạn vào tháng 6/2020).

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với người đồng cấp Anh Dominic Raab, ngày 22/6/2021. (Ảnh: baoquocte.vn)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với người đồng cấp Anh Dominic Raab, ngày 22/6/2021. (Ảnh: baoquocte.vn)

Về giáo dục-đào tạo, Anh chú trọng phát triển hợp tác với Việt Nam, với sự hiện diện của Cơ quan phát triển văn hóa-giáo dục (Hội đồng Anh) tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; tích cực thúc đẩy sự tham gia của hệ thống các trường hàng đầu của Anh trong liên kết đào tạo cũng như xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.

Hiện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Anh có khoảng 110.000 người, bao gồm cả 12.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh. Cộng đồng người Việt ở Anh nhìn chung sống hòa nhập, ổn định, 90% sống tập trung tại các thành phố lớn như London, Birmingham, Manchester… Một số hội đoàn người Việt có những hoạt động tích cực, góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng và hướng về xây dựng quê hương.

Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp truyền thống giữa hai nước, tinh thần đoàn kết và sẻ chia tiếp tục được nhân dân Việt Nam và Anh nêu cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Anh là nước đóng góp nhiều cho COVAX với vaccine do AstraZeneca/Đại học Oxford cùng phát triển. Anh đã hỗ trợ Việt Nam hơn 2.749.000 liều vaccine AstraZeneca qua cả kênh song phương và COVAX. Ngày 21/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab và Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đề nghị, trên tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược, cung cấp máy thở không xâm lấn (CPAP) với số lượng lớn nhất có thể cho Việt Nam.

Vaccine do AstraZeneca/Đại học Oxford cùng phát triển.
Vaccine do AstraZeneca/Đại học Oxford cùng phát triển.

Hợp tác đa phương chặt chẽ

Về hợp tác trên diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong thời gian Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an các nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021. Hai bên cùng là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Anh thúc đẩy hợp tác và tranh thủ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam để mở rộng quan hệ với ASEAN. Việt Nam ủng hộ đề nghị Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN và ủng hộ và tích cực hỗ trợ Anh trong tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).