Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phú Thọ: Tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành mục tiêu Chương trình MTQG 1719

Thúy Hằng - 18:42, 09/09/2024

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Phú Thọ đã và đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh quyết tâm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Đồng bào xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn phấn khởi trong ngày khánh thành cầu Suối Cái (24/5/2024)
Đồng bào xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn phấn khởi trong ngày khánh thành cầu Suối Cái (24/5/2024)

Hiệu quả thiết thực

Huyện Tân Sơn có 80% số dân là đồng bào DTTS. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Tân Sơn được đầu tư 73 dự án hạ tầng thiết yếu, gồm: Đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi, nhà văn hóa tại 17 xã đặc biệt khó khăn, khu vực 2, khu vực 1 với tổng vốn đầu tư gần 89 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Toản, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, cho biết: Giai đoạn 2021 - 2023, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư và đưa vào khai thác 31 công trình gồm: 19 công trình đường giao thông nông thôn, 9 công trình nhà văn hóa và 2 tràn qua suối, 1 hệ thống kênh mương nội đồng.

“Các công trình được đầu tư đồng bộ góp phần phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững”, ông Toản cho biết.

Những công đoạn cuối cùng hoàn thiện tuyến đường Long Cốc - Xuân Đài. (Ảnh chụp tháng 6/2024)
Những công đoạn cuối cùng hoàn thiện tuyến đường Long Cốc - Xuân Đài. (Ảnh chụp tháng 6/2024)

Cũng như huyện Tân Sơn, các địa phương vùng DTTS và miền núi của tỉnh Phú Thọ đang khoác lên diện mạo mới. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, trong hai năm 2022 và 2023, toàn tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 123 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 26 công trình trường học; 4 công trình y tế và một số công trình khác cho các xã, thôn thuộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Các công trình hạ tầng được đầu tư đã tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn miền núi, tạo cơ sở quan trọng để hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi của tỉnh giảm 2%.

Năm 2024, thực hiện Chương trình MTQG 1719, Phú Thọ đặt mục tiêu: 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 96% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường; 99,3% học sinh đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học, 99,2% ở cấp THCS và 98% ở cấp THPT, 99% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; phấn đấu có trên 45% lao động là người DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện; 74,9% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 38,2% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng...

Nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, ưu tiên các vùng khó, đến nay, cơ sở hạ tầng vùng DTTS được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở hạ tầng, chất lượng giáo dục, y tế được củng cố và nâng cao. Phong trào văn hóa, thể thao phát triển rộng khắp. Các di tích, di sản văn hóa được bảo tồn, phát triển gắn với du lịch, tạo nền tảng bền vững cho phát triển giá trị văn hóa truyền thống...

Phấn đấu đạt mục tiêu đề ra

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Ban Dân tộc trình Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vẫn chưa đạt so với kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ giải ngân đối với nguồn vốn sự nghiệp còn thấp. Một số dự án, tiểu dự án còn hạn chế ở khâu tổ chức thực hiện, một số quy định về định mức hỗ trợ còn thấp, đối tượng quy định còn hạn chế... Hiện tại, công tác triển khai thực hiện Dự án 1 ở một số đơn vị còn chậm, dù cơ chế hướng dẫn đã ban hành đầy đủ.

Theo ông Cầm Hà Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, năm 2024, tỉnh Phú Thọ được bố trí gần 470 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trong đó có nguồn vốn kế hoạch năm 2024 và vốn năm 2022, 2023 chuyển sang.

Đồng bào Dao ở khu Bến Thân, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn phát triển nuôi cá tầm
Đồng bào Dao ở khu Bến Thân, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn phát triển nuôi cá tầm

Để hoàn thành mục tiêu của Chương trình MTQG 1719 trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025, theo ông Chung, trước tiên cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì, tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình MTQG 1719. Theo đó, Ban cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương rà soát đối tượng thụ hưởng thuộc các dự án, tiểu dự án, xác định kinh phí, đề xuất phương án, tham mưu HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; trình Chính phủ cho phép tỉnh Phú Thọ điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 2% xuống còn 1,2% để phù hợp với thực tiễn của tỉnh khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.