Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phú Thọ: Đổi thay ở vùng đồng bào DTTS sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư

Thanh Huyền - 13:18, 20/11/2019

Đến thăm những bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Phú Thọ hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay trên từng nóc nhà. Cuộc sống mới no ấm, văn minh đã và đang hiện hữu trên mảnh đất này…

Con đường nông thôn mới vùng DTTS tỉnh Phú Thọ
Con đường nông thôn mới vùng DTTS tỉnh Phú Thọ

Theo ông Dương Văn Khái, Chủ tịch UBND xã Minh Đài, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, xã luôn chú trọng huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực xã hội, nội lực tại chỗ, phát huy sức dân để chăm lo cuộc sống của dân, khắc phục tâm lý trông chờ vào ngân sách của Nhà nước. 

Đồng thời, trong sử dụng nguồn lực ưu tiên cho mục tiêu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của Nhân dân. Các hộ dân đã tích cực đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong các khâu sản xuất, chủ động đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị trường như chè Bát Tiên, chè Shan tuyết, bưởi Diễn, bưởi da xanh, bò lai Sind, gà nhiều cựa... Do vậy, nếu năm 2011 thu nhập bình quân đầu người đạt 9,1 triệu đồng/người/năm, thì năm 2018 đã nâng lên đạt 32,9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí năm 2011 là 30,27%. Năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,73%, hộ cận nghèo 3,9%. Minh Đài là một trong số ít xã miền núi có đông đồng bào DTTS đã cán đích nông thôn mới (NTM). 

Toàn tỉnh Phú Thọ có 13 huyện, thành, thị, trong đó có 10 huyện miền núi với 218/277 xã, thị trấn là miền núi, với 50 dân tộc cùng chung sống. Đồng bào DTTS có gần 250 nghìn người, chiếm 17% dân số toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy... 

Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Phú Thọ lần thứ hai - năm 2014, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM vùng DTTS và miền núi được triển khai tích cực và có hiệu quả. 

 Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới và khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng được tăng cường. Hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ không ngừng củng cố và nâng lên. Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy. Trình độ dân trí được nâng lên, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường được duy trì ở mức cao. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, người dân thuộc hộ nghèo và người DTTS ở vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh miễn phí...

Đến nay, toàn tỉnh có 93/247 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã thuộc huyện miền núi có đông đồng bào DTTS. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm. Trên 90% số hộ đồng bào DTTS có điện, nước sinh hoạt; cơ bản xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% thôn, bản có đường giao thông nông thôn; 85% số lao động trong độ tuổi có việc làm. Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS ước đạt 21.125 nghìn/người/năm, bằng 51,78% so với mức bình quân chung. Số hộ nghèo DTTS năm sau đều giảm hơn so với năm trước: năm 2016 giảm 1.773 hộ, năm 2017 giảm 2.042 hộ, năm 2018 giảm 2.406 hộ. 

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn khi kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển chưa thực sự bền vững, sự chênh lệch khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, các vùng miền trên địa bàn tỉnh còn lớn… song với quyết tâm mới, khí thế mới, sẽ mở ra sự phát triển mới cho vùng DTTS và miền núi Phú Thọ thời gian tới.