Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phụ nữ vùng sâu khởi nghiệp từ cây Atisô

PV - 17:02, 20/10/2021

Hơn 3 năm xây dựng “Tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị cây atisô”, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) xã vùng sâu Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Cây Atisô đã đem lại thu nhập ổn định cho phụ nữ DTTS xã Đạ Sar
Cây Atisô đã đem lại thu nhập ổn định cho phụ nữ DTTS xã Đạ Sar

“Tổ hợp tác (THT) sản xuất theo chuỗi giá trị cây Atisô” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đạ Sar là mô hình được Hội LHPN tỉnh thành lập từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, với mục đích củng cố vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả của liên kết chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy giá trị gia tăng của nông sản và bảo đảm đầu ra cho nông sản địa phương.

Chị Liêng Jrang K’Đom - Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Sar cho hay, trước đây, nguồn thu nhập của hội viên phụ nữ xã nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cây trồng chủ lực là cà phê. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cà phê không ổn định cùng với dịch bệnh ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nên đời sống hội viên và người dân gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Lạc Dương về xây dựng “THT sản xuất theo chuỗi giá trị cây Atisô” và chủ trương của Đảng bộ xã về tập trung đầu tư cho bà con DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương; đồng thời được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN xã Đạ Sar phát động và triển khai phong trào “Vận động phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, gắn với công tác hỗ trợ khởi nghiệp xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị cây Atisô”.

Hội LHPN xã đã đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về kinh tế tập thể, kỹ năng quản lý, điều hành, thúc đẩy hợp tác sản xuất Atisô thông qua các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… Do đó, phong trào được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn xã tích cực hưởng ứng và tham gia sinh hoạt mô hình THT.

“THT sản xuất theo chuỗi giá trị cây Atisô” của Hội LHPN xã Đạ Sar khi mới thành lập có 10 thành viên, đều là phụ nữ DTTS. Chị Lơ Mu Rô Bên - Tổ trưởng THT cho biết, các hộ phụ nữ trồng cây Atisô được tham gia lớp tập huấn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch cây Atisô theo hướng nông nghiệp công nghệ cao do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức. Thông qua đó, thành viên THT đã có sự thay đổi về nhận thức, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất Atisô, hiểu được ý thức trách nhiệm và lợi ích khi thực hiện sản xuất an toàn, hướng tới mục tiêu vì cộng đồng cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ đó, hình thành tổ phụ nữ giúp nhau trong sản xuất, tổ phụ nữ tiết kiệm… nhằm tạo nguồn lực sẵn có giúp nhau phát triển sản xuất, kinh doanh. Với mỗi vụ trồng và thu hoạch Atisô theo chuỗi giá trị cho thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng, THT xây dựng quỹ tiết kiệm từ 10 hộ, mỗi hộ đóng 100.000 đồng/tháng. Sau gần 1 năm, số tiền tiết kiệm của Tổ được hơn 10 triệu đồng để nhân rộng mô hình từ việc nhân giống vườn Atisô của 10 hộ để tiếp tục chuyển giao cây giống cho 42 hộ trồng mới với 3,5 ha, số tiền tiết kiệm cũng lên 28 triệu đồng để duy trì hoạt động.

Hiện nay, xã Đạ Sar đã có 136 chị tham gia trồng cây Atisô với diện tích 8 ha
Hiện nay, xã Đạ Sar đã có 136 chị tham gia trồng cây Atisô với diện tích 8 ha

Từ những hiệu quả của mô hình, Hội Phụ nữ xã Đạ Sar đã vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay đã có 136 chị tham gia trồng cây Atisô với diện tích 8 ha và sẽ tiếp tục nhân rộng trong toàn hội viên phụ nữ xã. Trong năm 2020, Hội Phụ nữ xã tiếp tục thành lập mô hình “Tổ liên kết theo chuỗi giá trị cây atisô” có 35 hộ tham gia đối ứng với Công ty TNHH Vĩnh Tiến từ nguồn vốn của Hội LHPN huyện.

Cùng với hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, các Chi hội Phụ nữ duy trì các mô hình “Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải”, “Tổ phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”... Đều đặn thứ Bảy hàng tuần, các tổ ra quân dọn dẹp vệ sinh những tuyến đường liên thôn, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, từ đó đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp.

Đồng thời, xây dựng Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ đảm đang”, CLB “Phụ nữ văn minh, tiết kiệm trong tiệc cưới, hỏi”, CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên”, mô hình “Tổ phụ nữ nuôi dạy con tốt”, mô hình “Phụ nữ với kiến thức pháp luật”, mô hình “Chi hội phụ nữ kiểu mẫu”, mô hình “Chăn nuôi có chuồng trại”… “Qua đó, phong trào phụ nữ của Hội ngày càng phát triển, tổng số hội viên phụ nữ toàn xã đạt tỷ lệ trên 90%”, Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Sar Liêng Jrang K’Đom cho biết thêm./.