Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phụ nữ Chăm phát huy vai trò “mẫu hệ”

Thái Sơn Ngọc - 13:02, 30/10/2024

Tỉnh Ninh Thuận là địa phương có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống tập trung đông nhất trong cả nước với nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp. Từ xa xưa, người Chăm theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có vai trò, vị thế quan trọng trong đời sống gia đình, dòng tộc, thôn xóm. Trong xã hội hiện đại hôm nay, vai trò “mẫu hệ” của phụ nữ Chăm vẫn phát huy hiệu quả tích cực trong gia đình và ngoài xã hội.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Kiều Maily tìm hiểu nhạc cụ truyền thống tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Kiều Maily tìm hiểu nhạc cụ truyền thống tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận

Phát huy vai trò “nội tướng”

Bà Kiều Thị Khuê là cựu giáo viên có thâm niên 35 năm giảng dạy tại địa phương. Sau khi nghỉ hưu vào giữa năm 2022, bà được cấp ủy đảng, chính quyền, đảng viên và bà con người Chăm tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, kiêm Người có uy tín ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước. Với tình yêu quê hương, bà tích cực vận động cán bộ, đảng viên đoàn kết xây dựng thôn Tuấn Tú theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Bà vận động các gia đình tự nguyện hiến đất mở rộng giao thông nội đồng, lắp đèn chiếu sáng, xây dựng tường rào khu vực thể thao, đường làng ngõ xóm bảo đảm tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp…

Đồng bào dân tộc Chăm ở tỉnh Ninh Thuận có quá trình phát triển lâu đời với nền văn hóa phong phú góp phần làm đa dạng nền văn hóa Việt Nam. Theo chế độ “mẫu hệ” nên người phụ nữ có vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội. Vận động phụ nữ đồng bào Chăm đồng thuận thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình hoạt động ở địa phương bảo đảm đem lại kết quả cao”.

Thạc sĩ Đổng Văn Dinh, cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Thuận

Thôn Tuấn Tú hiện có 550 hộ với 2.365 khẩu đồng bào Chăm. Người dân trong thôn có cuộc sống no ấm, trù phú nhờ canh tác 65ha cây măng tây xanh và 65ha ruộng lúa gieo trồng 2 vụ/năm kết hợp chăn nuôi gia súc. Toàn thôn Tuấn Tú chỉ còn 5 hộ nghèo, chiếm 0,91% số hộ trong thôn. 

Có được thành quả này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của “người dẫn đường” Bí thư Chi bộ, Người có uy tín Kiều Thị Khuê. Đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú rất tự hào khi lần đầu tiên có một nữ lãnh đạo của thôn mình đại diện cho phụ nữ Chăm tỉnh Ninh Thuận được vinh dự ra Thủ đô tham dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024 và được trao Chứng nhận “Người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo”.

Chia sẻ về việc phát huy vai trò “mẫu hệ” của phụ nữ Chăm từ xưa đến nay, bà Kiều Thị Khuê cho biết: “Từ xa xưa, người phụ nữ Chăm luôn “đứng mũi chịu sào” đưa ra các quyết định quan trọng trong gia đình, dòng tộc. 

Khi phụ nữ Chăm tham gia công tác xã hội, phải có sự đồng thuận, ủng hộ của người chồng và con cái. Như vậy mới bảo đảm hài hòa vai trò người vợ đối với chồng, người mẹ đối với con cái và người bà đối với cháu. Đồng thời, hết lòng chăm lo việc thôn xóm vì tình yêu quê hương, mong muốn được đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển no ấm, giàu đẹp của làng Chăm”.

“Những bàn tay vàng”

Tại hai làng nghề truyền thống nổi tiếng của người Chăm là làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, phụ nữ Chăm là lực lượng lao động trụ cột gìn giữ, phát triển làng nghề.

Ngày 29/11/2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Để bảo tồn, gìn giữ, trao truyền kỹ thuật chế tác gốm Chăm qua nhiều thế hệ, có vai trò quan trọng của phụ nữ làng gốm Bàu Trúc.

Nghệ nhân Đàng Thị Hoa gìn giữ, trao truyền kỹ thuật chế tác gốm Chăm
Nghệ nhân Đàng Thị Hoa gìn giữ, trao truyền kỹ thuật chế tác gốm Chăm

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất gốm của nghệ nhân “Bàn tay vàng” Đàng Thị Hoa ở giữa làng Bàu Trúc, chị là con gái út của gia đình có truyền thống chế tác gốm mẹ truyền con nối. Theo luật tục Chăm, chị Hoa ở trong ngôi nhà từ đường do cha mẹ xây cất trên diện tích đất 500m2. 

Với trách nhiệm của người con gái út, chị Hoa lo việc thờ cúng tổ tiên theo phong tục dòng họ. Nhờ nghề làm gốm, chị Hoa có thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng/tháng; những tháng nhận được nhiều đơn đặt hàng, chị có nhu nhập 20 triệu đồng. 4 cô con gái của chị Hoa đều được truyền dạy nghề làm gốm Chăm, giữ gìn văn hóa truyền thống của gia đình.

Người bạn đời của nghệ nhân Đàng Thị Hoa, là anh Đàng Năng Nghiêm chia sẻ: “Chế độ mẫu hệ tồn tại lâu đời trong đời sống xã hội người Chăm. Từ khi sinh ra ở làng Bàu Trúc, tôi đã thấy bà và mẹ tôi có vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình, tộc họ. Tôi là người đồng hành, trợ thủ đắc lực cho vợ trong công việc chế tác gốm, còn mọi việc quan trọng trong đời sống gia đình tuy vợ chồng có bàn bạc thống nhất nhưng quyền quyết định cuối cùng thuộc về người vợ”.

Phụ nữ Chăm phát huy vai trò “mẫu hệ” trong việc truyền dạy, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống làng Mỹ Nghiệp
Phụ nữ Chăm phát huy vai trò “mẫu hệ” trong việc truyền dạy, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống làng Mỹ Nghiệp

Phụ nữ Chăm hôm nay có nhiều người học hành thành đạt, có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, tích cực tham gia công tác xã hội. Trong đó có nhiều người là cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, giáo dục, y tế, doanh nghiệp… 

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 745 đảng viên nữ người Chăm. Đội ngũ nữ đảng viên phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, tích cực tham gia xây dựng kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm ngày càng phát triển thịnh vượng. Đơn cử như các chị Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận; La Thoại Như Trang, Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận; Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Châu Rế; Thạc sĩ, họa sĩ Chế Kim Trung, giáo viên Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Phan Rang; Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Kiều MaiLy…

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.