Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thêm quyết liệt, chặt chẽ

PV - 09:00, 05/07/2023

Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí luôn là chủ đề được Nhân dân, cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu và cử tri TP. Hà Nội. (Ảnh: Đăng Khoa)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu và cử tri TP. Hà Nội. (Ảnh: Đăng Khoa)

Tại các buổi tiếp xúc cử tri của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, nhất là cuộc tiếp xúc cử tri trước, sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong những ngày qua tại Hà Nội và Ðà Nẵng đã cho thấy, mỗi thông tin về công tác quan trọng này luôn được người dân, cử tri trân trọng đón nhận và mong chờ.

Tại TP. Ðà Nẵng, sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu, đề xuất của 15 cử tri với hơn 30 nội dung công việc được đưa ra, trong đó nhiều ý kiến rất quan tâm về những điểm mới, về kết quả cụ thể trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được Ðảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng thực hiện công khai, minh bạch, thông tin rộng rãi đến phương tiện thông tin đại chúng để mỗi người dân nắm được.

Nhắc lại câu thành ngữ: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần: “Sâu chỗ nào, dột chỗ nào thì xử lý ngay chỗ đó”. Thời gian gần đây, thậm chí chúng ta đã làm chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn, sâu sắc hơn.

Chủ tịch nước chia sẻ: Trước đây, có ý kiến cho rằng chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực còn “tắm từ vai trở xuống”, tức là chỉ xử lý những người trực tiếp sai phạm, gây ra thất thoát tài sản của Nhà nước, của tập thể. Trước đây, chúng ta chống tham nhũng nhưng chỉ “nóng” ở trên, nhưng ở dưới thì “lạnh”... Nhưng bây giờ, chúng ta đã xử lý đến trách nhiệm của cả người đứng đầu không sâu sát, không chặt chẽ, để cho bộ máy của mình, cấp dưới của mình vi phạm, gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm mất uy tín của Ðảng, Nhà nước đối với Nhân dân.

Lắng nghe phát biểu của Chủ tịch nước, cử tri và Nhân dân TP. Ðà Nẵng bày tỏ sự tin tưởng đối với những đổi mới, bước tiến thực chất, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác đó không chỉ nằm trên các nghị quyết, kết luận mà đã thể hiện cụ thể trong thực tế đời sống và ngày càng được đổi mới, sâu sát và sâu sắc hơn theo hướng xử lý tham nhũng, tiêu cực từ gốc, có kết quả thực chất, công bằng, công minh.

Ðây là thực tế đã được minh chứng cụ thể, sâu sắc qua các quyết định của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về kỷ luật, xử lý trách nhiệm nhiều lãnh đạo địa phương trong cả nước có sai phạm; qua điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng được thông báo rộng rãi, công khai; từ những kết quả tích cực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh sau 1 năm thành lập và đi vào hoạt động...

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với đại biểu và cử tri TP. Đà Nẵng
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với đại biểu và cử tri TP. Đà Nẵng

Sự quan tâm, mong chờ kết quả, sự đổi mới của các tầng lớp Nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn thể hiện rõ nét ở các câu hỏi, kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra Chính phủ, thông qua hoạt động của Đại biểu Quốc hội.

Thanh tra Chính phủ đã có văn bản trả lời cử tri và Nhân dân về nội dung này, trong đó khẳng định: Gần đây, chống tham nhũng, xử lý tội phạm tham nhũng đã được triển khai mạnh ở tất cả các địa phương với những kết quả cụ thể. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn phòng, chống tham nhũng với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Ðảng, Nhà nước và xử lý hình sự.

Thanh tra Chính phủ nêu rõ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta là không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Ðây cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt, là tinh thần, quyết tâm của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khẳng định với cử tri, Nhân dân Ðà Nẵng trong các lần tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, khó lường hơn, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, công tác phòng, chống vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, khó khăn nhất định.

Cử tri mong muốn Ðảng, Nhà nước sớm xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng và bộ máy Nhà nước...

Trao đổi, giải đáp các ý kiến, đề nghị của cử tri trong các buổi tiếp xúc, cũng như làm việc với các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: Bên cạnh việc quyết liệt chống, chúng ta cũng chú trọng việc phòng ngừa. Sau mỗi vụ việc thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm, bất cập sau mỗi vụ án, sau mỗi quá trình xử lý sai phạm, Trung ương đều có chỉ đạo rà soát lại, bịt các lỗ hổng trong cơ chế, trong các quy định pháp luật để cán bộ suy thoái không có điều kiện lợi dụng kẽ hở để trục lợi... Các cơ quan chức năng, các cơ quan xây dựng pháp luật cần nâng cao tinh thần trách nhiệm để làm luật minh bạch, rõ ràng, không đưa đến các cách hiểu khác nhau...

Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quá trình công phu cần sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; mỗi cán bộ, công chức, người đứng đầu địa phương, đơn vị... phải tuân thủ pháp luật.

Ðể khắc phục những hạn chế, bất cập, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác quan trọng này, không bằng lòng với những kết quả đã có được, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn liền, đồng bộ với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...