Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi khu vực phía Bắc

PV - 17:03, 30/12/2020

Ngày 30/12, UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi khu vực phía Bắc.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại hội nghị
Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT chỉ đạo, để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại của thiên tai gây ra trước tình hình rét đậm, rét hại trên diện rộng, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Tuyên truyền, vận động Nhân dân không chăn thả gia súc và cho gia súc làm việc ngoài trời khi nhiệt độ xuống 12 độ C. Đồng thời, đề nghị các địa phương thực hiện tốt các yếu tố như: bảo đảm toàn bộ vật nuôi được tiêm vaccine đầy đủ; sử dụng đúng định lượng hóa chất để khử khuẩn cho chuồng trại và trong quá trình tiêu hủy; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học tại địa phương; phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố, ổ dịch khi xảy ra.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp và huy động nguồn nhân lực tại chỗ để hỗ trợ kịp thời cho người dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp dự trữ thức ăn, che chăn chuồng trại. Thống kê đầy đủ, chính xác số lượng vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 116 nghìn con trâu, gần 85 nghìn con bò, hơn 446 nghìn con lợn, gần tám triệu con gia cầm và hơn 51 con dê. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm theo giá so sánh đạt khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng, vượt 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mô hình chăn nuôi tập trung công nghiệp và hợp tác xã chăn nuôi hình thành và ngày càng mở rộng. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản xuất vật nuôi có lợi thế của địa phương đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Gà Lạc Sơn”, “Gà Lạc Thủy”, “Lợn bản địa huyện Đà Bắc”...

Trên địa bàn tỉnh có năm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất khoảng 655 nghìn tấn/năm, có 225 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Người dân đã chủ động chuyển đổi tối đa diện tích đất sản xuất cây lương thực, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi, dự trữ chế biến thức ăn từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp cho trâu, bò và vụ đông. Trong năm vừa qua, tỉnh đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp ứng phó với tình hình rét đậm, rét hại; hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi.