Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phòng chống các dịch bệnh dễ bùng phát trong thời gian dịch Covid-19

Đông Hưng - 11:20, 02/03/2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành Y tế nhiều địa phương không lơ là với các loại dịch bệnh dễ bùng phát khác như: Sốt xuất huyết; tiêu chảy cấp… Đặc biệt là các vùng nông thôn, biên giới, thời tiết có nhiều biến đổi cực đoan, ý thức người dân về phòng bệnh chưa cao nên càng phải chú trọng.

Cán bộ y tế cơ sở tuyên truyền và hướng dẫn phòng chống các dịch bệnh dễ bùng phát ở vùng sâu Tây Nguyên.
Cán bộ y tế cơ sở tuyên truyền và hướng dẫn phòng chống các dịch bệnh dễ bùng phát ở vùng sâu Tây Nguyên.

Nhận thức hạn chế, dịch bệnh dễ gia tăng

Tỉnh Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông… là những địa phương còn tồn tại nhiều khu dân cư tự phát nên việc phòng, chống Covid-19 gắn với kiểm soát các dịch bệnh khác như, sốt xuất huyết; tiêu chảy cấp… luôn là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đăk Nông, riêng trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 22/44 bệnh truyền nhiễm tại 8/8 huyện/thành phố với tổng số 2.912 ca mắc. Ghi nhận 57 ổ dịch bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết có 16 ổ; Tay - chân - miệng có 19 ổ; thủy đậu có 6 ổ; bạch hầu có 14 ổ…). Tỉnh Đăk Nông đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, Đăk Nông là địa phương có quốc lộ 14 vắt ngang, có biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Vì vậy, nguy cơ xâm nhập ca bệnh truyền nhiễm vào địa phương là rất lớn, nhất là trong những tháng đầu năm 2021. Vì vậy, các tổ tuyên truyền lưu động phải bám buôn làng từng ngày, từng giờ để tuyên truyền cho người dân, nhất là đồng bào DTTS ở những vùng sâu, vùng xa hiểu nguy cơ lây lan dich bệnh. 

Ở vùng biên giới Ea Súp (Đăk Lăk) đầu năm 2021, bệnh tiêu chảy cũng diễn biến phức tạp. Riêng trong tháng 1/2021 đã có hơn 80 người dương tính với Rotavirus (tiêu chảy cấp). Đây là bệnh lây lan mạnh, người bệnh có những triệu chứng như tiêu chảy, nôn ói, sốt, đau bụng và mất nước ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và một số người trưởng thành. Hiện, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với virus này. Trẻ em có thể phòng ngừa bằng Vacxin. Các xã của Ea Súp nhiễm bệnh như: Cư Kbang, Ia Jlơi, Ea Rôk và thị trấn Ea Súp. Trong đó, xã Cư Kbang chiếm số lượng nhiều nhất.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang nhìn nhận: Ở khu vực này, nhiều người di cư nơi khác đến, nhận thức còn hạn chế. Nhiều hộ đồng bào chưa thành thạo tiếng phổ thông nên cán bộ y tế và Người có uy tín trong cộng đồng đi tuyên truyền phòng bệnh rất vất vả.

Ông Sùng Th. và nhiều hộ dân ở thôn 13 (xã Cư Kbang) cho biết: Có người bị tiêu chảy, bị sốt xuất huyết tự uống nước lá, nước cơm và tin là sẽ khỏi chứ không đi cơ sở y tế. Chính vậy càng làm cho dịch bệnh tăng cao hơn,  nếu không thay đổi được nhận thức thì cuộc chiến chống bệnh tật ở Ea Súp còn gian nan.

Thống kê của Trung tâm Y tế Ea Súp cho thấy, xã Cư Kbang có số người nhiễm dịch bệnh cao nhất trong những năm gần đây, nhất là dịch tiêu chảy. Năm 2019, có gần 100 người; năm 2020 là 144 người; đầu năm 2021 đến nay có 81 người … Hầu hết ca bệnh rơi vào khu dân cư tự phát của thôn 11, 13, 14…

Tuyên truyền người dân phòng chống các loại dịch bệnh
Tuyên truyền người dân phòng chống các loại dịch bệnh

Đẩy mạnh kiểm soát

Là địa phương có dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngành Y tế Bình Định quyết liệt chống Covid-19 và sốt xuất huyết. Đến giữa tháng 2/2021, tổng số ca bệnh sốt xuất huyết Dengue mắc mới ở Bình Định là 21 ca ở 7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Ngành Y tế địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết và dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người; tiếp tục triển khai xử lý ổ dịch theo quy định.

Song song với phòng, chống Covid-19, để kiểm soát kịp thời các ổ dịch, y tế nhiều địa phương đề ra mục tiêu phát hiện sớm và khống chế kịp thời các ca mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa Xuân; bảo đảm đủ thuốc, hóa chất; tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn.

Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đăk Lăk đánh giá: Ở những nơi dễ bùng phát dịch tiêu chảy, công tác kiểm soát liên tục được tăng cường. Xuất hiện ổ dịch nào là khoanh vùng, phun hóa chất Chloramin B xử lý môi trường nhà bệnh nhân và các hộ xung quanh nhà bệnh nhân ngay. Bên cạnh đó, xử lý các vũng nước đọng quanh các giếng nước người dân sử dụng bằng Chloramin B; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thông qua qua loa phát thanh. Vận động người dân tổ chức vệ sinh, thu gom và xử lý phân, rác thải đúng quy định. Đồng thời thực hiện giám sát thường xuyên các vùng trọng điểm, vùng ổ dịch cũ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.