Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2023

Hoàng Quý - 14:49, 02/01/2024

Chiều 2/1/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc (CTDT) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đồng chủ trì Hội nghị
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đồng chủ trì Hội nghị (Ảnh: Tuấn Ninh)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Nông Quốc Tuấn, Y Vinh Tơr, Nông Thị Hà; nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải; Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Huy Đông; Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Phương Lan; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT.

Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Tỉnh, Thành ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Ban Dân tộc, cơ quan CTDT, lãnh đạo một số sở, ban, ngành 53 tỉnh, thành phố vùng DTTS và miền núi trên cả nước.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2023, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục biến động, phức tạp, khó lường, với thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn so với dự báo. Hậu quả của đại dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nước ta, trong đó có vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… ngày càng lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà trình bày Báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Tuấn Ninh)
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà trình bày Báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Tuấn Ninh)

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBDT đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình CTDT, với những mục tiêu, nội dung cụ thể, phấn đấu thực hiện.

UBDT xác định, năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm có nghĩa rất quan trọng trong thực hiện thắng lợi mục tiêu của giai đoạn. Do vậy, ngay từ đầu năm, UBDT đã tập trung quyết liệt công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng DTTS và miền núi, thường xuyên quan tâm, tổ chức thực hiện CTDT và đã đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa bàn vùng DTTS và miền núi nói riêng và cả nước nói chung.

Dưới chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ 188 chính sách tại vùng DTTS và miền núi (trong đó có 136 chính sách dân tộc), các chính sách an sinh xã hội nên đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi năm 2023 ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Tuấn Ninh)
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Tuấn Ninh)

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2023, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH): Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; dự kiến cuối năm 2023 thêm 9 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh vùng DTTS, một số tỉnh ước tỷ lệ nghèo năm 2023 giảm nhanh như: An Giang giảm 11,3%, Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị 6,73%, Hà Giang giảm 5,96%, Yên Bái giảm 5,25%, Lào Cai giảm 5,2%, Gia Lai giảm 4,21%, Kon Tum giảm 4,04%, Cao Bằng giảm trên 4%... các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%; tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ và thực hiện đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu (Ảnh: Tuấn Ninh)
Đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu (Ảnh: Tuấn Ninh)

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi phù hợp. Tình hình sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy, hải sản duy trì ổn định. Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS được tạo điều kiện hình thành và nhân rộng. Nhiều địa phương chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chất lượng cao, số xã có sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP ngày càng nhiều.

Các ngành nghề tạo ra sản phẩm đặc trưng, chủ lực của vùng được các địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện; trong đó có các nghề truyền thống của đồng bào DTTS được giữ gìn và phát huy. Năm 2023, một số địa phương vùng DTTS có tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cao như: Bắc Giang 13,45%, Hậu Giang 12,27%, Ninh Thuận 9,4%, Phú Yên 9,16, Bình Phước 8,34% , Trà Vinh 8,25%, các tỉnh: Tuyên Quang, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Thọ, Điện Biên đều trên 7% cao hơn trung bình cả nước...

Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2023, để Chương trình công tác năm 2024 và những năm tiếp theo đạt được các mục tiêu đề ra, CTDT trong năm 2024 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến CTDT; tổ chức thực hiện tốt các chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719; tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS và miền núi; thực hiện việc trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp; đôn đốc, kiểm tra các địa phương triển khai tổ chức thành công Đại hội DTTS cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ IV đúng tiến độ, đạt mục tiêu…