Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Mở rộng vận tải hành khách, đẩy nhanh phục hồi sản xuất kinh doanh

PV - 18:00, 20/10/2021

“Các địa phương muốn khôi phục sản xuất thì phải sâu sát, là điểm tựa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”. Nếu triển khai chậm thì mất cơ hội, nhưng nếu chủ quan thì dễ dẫn đến rủi ro rất lớn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Chiều 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về lưu thông hàng hóa, hành khách và phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. 

Tham dự có lãnh đạo các Bộ: GTVT, KH&ĐT, Công an, Công Thương, Y tế, Tài chính, NN&PTNT, TN&MT, Ngân hàng Nhà nước và 63 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp tại các đầu cầu trực tuyến.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hôm nay, 20/10, là ngày cuối cùng của đợt thí điểm khôi phục đường bay nội địa kéo dài 10 ngày cũng như tròn một tháng kể từ Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp” (ngày 20/9).

Mở rộng vận tải hành khách trên tất cả các loại hình

Báo cáo tình hình thực hiện tổ chức hoạt động vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trong thời gian vừa qua, cơ bản giao thông thông thoáng, hàng hóa lưu thông thuận lợi, góp phần giải phóng hàng nông sản, thủy hải sản cho bà con nông dân; cung cấp nguyên nhiên vật liệu cho nhà máy, xí nghiệp công trình đang thi công cơ bản được bảo đảm và vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Về sản lượng 9 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa vận chuyển đạt 114,48 triệu tấn, bằng 94,4% so cùng kỳ năm 2020.

Về vận tải hành khách, đối với vận tải đường bộ, đến ngày 19/10, đã có 48 địa phương đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô; 38 địa phương tổ chức khai thác với 793 tuyến đăng ký.

Đối với vận tải hàng không, có 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã thực hiện khai thác 17 đường bay/21 đường bay theo kế hoạch) đi/đến 17/22 cảng hàng không với 193 chuyến bay/tổng số 322 chuyến bay theo kế hoạch, đạt tỉ lệ xấp xỉ 60%; tổng số 12.905 hành khách được vận chuyển.

Đối với vận tải đường sắt, đã tổ chức chạy tàu trên tuyến Hà Nội-TPHCM với 2 đôi tàu/ngày đêm. Bình quân một chuyến có 603 hành khách/chuyến tàu. Công tác kiểm soát hành khách trên các chuyến tàu đều tuân thủ theo quy định. Tính đến thời điểm ngày 18/10, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với COVID-19.

Về kế hoạch vận tải hành khách hàng không trong thời gian tới, theo đề xuất của Bộ GTVT, áp dụng từ ngày 21/10 đến hết ngày 30/11. Cụ thể, đường bay Hà Nội-TPHCM và ngược lại: Không quá 6 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 21/10 đến 14/11 và không quá 7 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 15/11 đến 30/11.

Đường bay Hà Nội-Đà Nẵng và ngược lại: Không quá 6 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 21/10 đến 14/11 và không quá 7 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 15/11 đến 30/11.

Đường bay Đà Nẵng-TPHCM và ngược lại: Không quá 6 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 21/10 đến 14/11 và không quá 7 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 15/11 đến 30/11. Các đường bay khác: Không quá 4 chuyến hằng ngày mỗi chiều.

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đức Tuân
Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Ưu tiên vaccine là tiền đề khôi phục sản xuất

Về tình hình sản xuất kinh doanh, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT do Thứ trưởng Võ Thành Thống trình bày, nhiều địa phương đã chủ động thay đổi tình hình thích ứng với những biến đổi mới, ban hành các văn bản tái khởi động sản xuất kịp thời, đồng thời, phê duyệt cho các nhà máy được hoạt động sản xuất, kinh doanh như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Đến nay, các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp đã hoàn thành tiêm 100% vaccine phòng COVID-1 mũi 1 cho toàn bộ công nhân, người lao động. Một số địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 2 cao như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang...

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã thể hiện vai trò là lực lượng quan trọng, chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Theo Bộ KH&ĐT, việc phối hợp giữa các cơ quan tại một số địa phương chưa đồng bộ, nhất quán do chưa thành lập các tổ công tác/ban chỉ đạo phòng,chống COVID-19, dẫn đến ách tắc cục bộ trong quá trình xử lý kiến nghị của doanh nghiệp. Việc hướng dẫn các chính sách phòng, chống COVID-19 tại một số địa phương vẫn còn chưa thống nhất.

Báo cáo tình hình tại địa phương, các tỉnh, thành phố cho biết đã thực hiện phối hợp với Bộ GTVT thí điểm khôi phục vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt theo kế hoạch của Bộ GTVT.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, TP. Hà Nội đã phối hợp với Bộ GTVT thực hiện 10 chuyến bay chặng TPHCM-Hà Nội với 220 khách; 8 chuyến bay chặng HN-Đà Nẵng. Về vận tải khách đường sắt, TP. Hà Nội đã thực hiện khôi phục đường sắt tuyến Hà Nội-Hải Phòng; đến hết ngày 17/10 đã tiếp nhận 10 chuyến tàu với 1.263 khách; chặng Hà Nội-TPHCM tiếp nhận 9.651 hành khách và 9 tuyến liên tỉnh đến Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai...

Tính đến 20/10, TP. Hà Nội đã khôi phục lại 95% các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất.

Đại diện tỉnh Nghệ An kiến nghị, lượng vaccine tỉnh được phân bổ mới đủ để tiêm mũi 1 cho 30% người dân, tỉ lệ lái xe tiêm mũi 2 còn ít, do đó việc vận tải, lưu thông còn gặp khó khăn. Từ đó, Nghệ An đề nghị Chính phủ cấp thêm vaccine cho tỉnh để hoàn thành 2 mũi tiêm cho riêng đội ngũ lái xe.

Theo đại diện tỉnh An Giang, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, cho doanh nghiệp hoạt động trở lại với 3 cấp độ 30%, 50%, 70%; hiện chưa cho phép doanh nghiệp hoạt động 100% vì tỉ lệ tiêm chủng mới đạt phủ tiêm mũi 1. Sau khi tiêm đủ 2 mũi, tỉnh mới cho sản xuất trở lại bình thường.

Kiến nghị về vận chuyển hành khách của tỉnh với TPHCM phải qua nhiều tỉnh, thành phố, tỉnh An Giang đề nghị phải thống nhất để có điểm dừng, điểm đỗ thì mới bảo đảm hoạt động vận tải.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp của tỉnh đều bảo đảm an toàn, không có ca F0. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kiến nghị về thực hiện “3 tại chỗ” nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo tỉnh cho biết, tỉnh cố gắng trong tháng 10 này, sau khi hoàn thành tiêm mũi 2 cho toàn bộ công nhân, sẽ bỏ mô hình sản xuất "3 tại chỗ".

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhất trí rằng, đối với các địa phương đã tiêm phòng đạt độ phủ vaccine lớn cho công nhân thì bỏ phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sau 9 ngày thí điểm mở lại các đường bay nội địa, mặc dù vẫn đang thực hiện ngồi giãn cách ghế trên máy bay nhưng hành khách chủ yếu ở 3 sân bay là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và sân bay Đà Nẵng. Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục kiến nghị khôi phục lại các đường bay nội địa theo chiều hướng tăng tần suất, bảo đảm thực hiện đủ các quy định phòng, chống dịch mà Bộ Y tế quy định. Với chặng Hà Nội-TPHCM, Cục Hàng không đề xuất khôi phục tối đa 6 chuyến bay/tuần phân bổ đều cho các hãng. Còn các đường bay khác tối đa bay một chuyến/ngày.

“Các địa phương muốn phát triển thì phải sâu sát, là điểm tựa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”. Ảnh: VGP/Đức Tuân
“Các địa phương muốn phát triển thì phải sâu sát, là điểm tựa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Doanh nghiệp là chủ thể, chính quyền là điểm tựa

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhắc lại cách đây một tháng (20/9), trước kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp FDI, ông đã chủ trì Hội nghị trực tuyến nhằm phục hồi sản xuất công nghiệp, trước hết là trong khu, cụm công nghiệp ở các địa phương; xác định rõ chủ thể để phục hồi sản xuất công nghiệp là các doanh nghiệp. “Và chủ thể đó có một điểm tựa, có đầu mối để vượt qua khó khăn là UBND các cấp. Cách thức mà Chính phủ đã gợi mở là các địa phương thành lập các ban chỉ đạo, các tổ công tác để hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp, lực lượng có vai trò quan trọng đối với phục hồi kinh tế”. Tại Hội nghị ngày 20/9 đó, Phó Thủ tướng đã khẳng định sẽ tổ chức định kỳ các cuộc họp như vậy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cuộc họp hôm nay cũng là thực hiện cam kết này.

Ngày 8/10, Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp về phục hồi ngành hàng không và chỉ đạo Bộ GTVT thí điểm mở lại các đường bay, phục hồi các tuyến đường sắt, đường bộ. Tại cuộc họp đó, Phó Thủ tướng đã khẳng định, sau 10 ngày thí điểm, sẽ tổ chức họp để đánh giá xem có tiếp tục mở các chuyến bay hay không, “nếu chúng ta thấy không ổn thì dừng lại, thấy thành công thì tiếp tục, mở rộng thêm”.

Qua báo cáo, ý kiến phát biểu của các địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng, bước đầu chúng ta đã đạt được kết quả, về phục hồi sản xuất và phục hồi lĩnh vực giao thông: Đường sắt, đường bộ, hàng không… Các địa phương đã chủ động vào cuộc tích cực triển khai, nhất là khôi phục sản xuất và giao thông vận tải. Nhiều địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ chức gặp gỡ, hội nghị với doanh nghiệp. Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng khẳng định, chúng ta quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quý IV/2021.

Thực hiện nhất quán các quy định về vận tải hành khách trên toàn quốc

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất là đặc biệt quan trọng. “Các địa phương muốn phát triển thì phải sâu sát, là điểm tựa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”. Nếu không làm tốt việc này thì nơi đó phục hồi sẽ chậm, bởi doanh nghiệp không có điểm tựa thì phục hồi sản xuất sẽ chậm. Phó Thủ tướng lấy ví dụ, bây giờ, việc huy động nhân lực thế nào hay doanh nghiệp rất cần giúp đỡ trong phòng, chống dịch khi duy trì sản xuất. “Các địa phương cần rà soát lại và tăng cường thêm công tác này, đây là yếu tố quan trọng để phục hồi sản xuất”.

Nhấn mạnh chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19”, Phó Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục duy trì và mở thêm các chuyến bay, bên cạnh đó, chỉnh sửa một số điều kiện phù hợp hơn với thực tế. Ngoài ra, duy trì tuyến đường sắt và đường bộ. Bên cạnh phục hồi các tuyến giao thông, Phó Thủ tướng lưu ý, các địa phương phải chú trọng, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là các địa phương “vùng xanh”. Phải phát hiện sớm, không để xảy ra ổ dịch. Phó Thủ tướng cho rằng, cần phát huy vai trò của ban chỉ đạo của các địa phương, nhất là hệ thống cơ sở, tổ giám sát COVID-19 cộng đồng ở trong tất cả các khu dân cư.

Các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT rà soát lại khi có ý kiến địa phương cho rằng việc kiểm soát giao thông đường bộ chưa được chặt chẽ. Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và ban hành kế hoạch khai thác vận tải hàng không và đường sắt trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thực hiện nhất quán các quy định về vận tải hành khách trên toàn quốc.