Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phim truyền hình Việt: Vẫn tiếp diễn “càng dài, càng dở”

PV - 09:05, 01/12/2022

Thời gian gần đây, nhiều bộ phim truyền hình Việt Nam ban đầu ra mắt khá rầm rộ, thu hút sự quan tâm, bàn luận sôi nổi của công chúng bởi những tình tiết gay cấn, hấp dẫn, nhưng càng về sau lại càng nhạt, càng đuối. Dường như câu chuyện “đầu voi đuôi chuột” đã trở thành căn bệnh trầm kha của phim nội.

"Đấu trí” gây thất vọng bởi những cuộc đấu trí nhàm chán kéo dài
"Đấu trí” gây thất vọng bởi những cuộc đấu trí nhàm chán kéo dài

Rõ ràng, để có một tác phẩm thỏa lòng khán giả thì nhà làm phim không nên quá tham lam tình tiết, lan man cao trào khiến rốt cục “rơi tõm” vào cảnh kết vội vì hết “quota”. Mới đây nhất, phải kể đến Đấu trí, bộ phim khiến người xem hụt hẫng vì kết thúc chóng vánh theo kiểu làm “cho có”…

Chưa có “thuốc đặc trị”

Thật vậy, Đấu trí đã kết thúc ở tập 74, với đề tài rất “nóng” và mang tính thời sự, bộ phim thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Thế nhưng, một lần nữa ai nấy lại “lắc đầu ngao ngán” bởi phim kết thúc khi chưa giải quyết hết vấn đề khúc mắc. Khoảng 3 tập cuối, các tình tiết phim dù được đẩy lên cao trào, nhưng quá trình phá án chưa tạo đột phá, đôi khi sa đà vào diễn biến lan man. Cụ thể, việc bắt Chủ tịch tỉnh Đoàn Phát là cảnh được dự đoán là “đắt” nhất phim, bởi sau đó các thế lực ngầm cũng sẽ lần lượt bị “sa lưới”. Nhưng rồi, hóa ra người bị bắt cũng chỉ có mỗi ông Đoàn Phát, điều mà ai cũng biết, trong khi các ông anh, bà chị “tay to” được nhắc đến ở đầu phim lại chẳng thấy tăm hơi. Hay việc hai kẻ nguy hiểm nhất dễ dàng bị “tóm” chỉ thông qua một chiếc USB, trong khi một số mắt xích chưa được điều tra tới tận cùng. Trên Fanpage của chương trình, nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối và cũng không ít dấu chấm hỏi lơ lửng: Chuyện tình cảm giữa Vũ và Lam sẽ thế nào? Nhân vật Hữu trong phim là ai?…

Trước đó, không thể không nhắc đến bộ phim Hương vị tình thân của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng. Ban đầu, phim dự kiến phát sóng 120 tập nhưng cuối cùng kết thúc ở tập 136. Hương vị tình thân lập kỷ lục rating “khủng” trong suốt nửa năm liền, nhưng đây cũng là bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất về nội dung, tình tiết và diễn xuất của các diễn viên. Nếu phần 1 lôi cuốn, logic, hấp dẫn thì phần 2 miên man tưởng như không có hồi kết. Hay dự án Thương ngày nắng về dù được đánh giá cao nhưng cũng không tránh khỏi sa đà vào việc cố tình kéo dài thời lượng khiến người xem lắc đầu ngao ngán. Cho đến Ga-ra hạnh phúc cũng lại tiếp tục gây “điều tiếng” khi mang thông điệp chữa lành nhưng các nhân vật liên tục rơi vào vòng xoáy bi kịch với những “drama” lắt léo, khó hiểu. Rõ ràng, căn bệnh “dai mà dở” đã trở thành mãn tính của phim truyền hình Việt, kéo dài từ bộ phim này sang bộ phim khác, năm này qua năm khác vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Lợi bất cập hại

Có thể hiểu vì sao nhà sản xuất, đạo diễn vẫn quyết tâm kéo dài phim, dù càng dai càng dài càng dở, là bởi việc tăng số tập sẽ đem lại nhiều lợi nhuận quảng cáo. Theo tính toán của Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV (TVAD), bộ phim Người phán xử từng đạt kỷ lục về giá quảng cáo với 220 triệu đồng cho 30 giây, tức là 47 tập phim thì lợi nhuận từ quảng cáo vượt xa con số 100 tỉ đồng. Cả một đời ân oán dài 72 tập cũng mang lại cho nhà đài số tiền hơn 150 tỉ; Về nhà đi con còn “khủng khiếp” hơn khi ẵm trọn 155,5 tỉ đồng cho 85 tập phim. Thậm chí, thời lượng dành cho quảng cáo dài gần bằng thời gian một tập phim, như ở Hương vị tình thân có tới 3 quảng cáo 5 giây, 9 TVC 15 giây, 2 clip 20 giây và 5 clip 30 giây, cứ thế lặp lại vài lần trong mỗi tập phim.

Có thể thấy, nếu đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà không quan tâm tới chất lượng cũng như nội dung sẽ khiến khán giả dần quay lưng với phim Việt. Trong khi đó, thị trường điện ảnh trong nước cũng như thế giới ngày càng được đầu tư, sáng tạo, nhà sản xuất luôn lấy khán giả làm mục tiêu trọng tâm. Còn phim truyền hình cứ chốc lại quảng cáo, chốc lại ngắt quãng thì chỉ khiến người xem chán nản và ác cảm.

Bên cạnh câu chuyện lợi nhuận quảng cáo, nhiều nhà làm phim còn cho rằng, việc kéo dài là cần thêm thắt tình tiết, nhân vật cho phù hợp cuộc sống đời thường, hoặc đã lỡ quay nhiều cảnh, phim lại đang thu hút, bỏ thì rất tiếc… Thế nhưng, dạo quanh một vòng phim Việt, dường như chỉ có một cái tên là Về nhà đi con làm tốt việc kéo dài phim để giải quyết tất cả vấn đề của gia đình ông Sơn một cách chỉn chu nhất. Có thể thấy, về mặt nghệ thuật, việc tăng tình tiết và thời lượng mà làm chất lượng tổng thể đi xuống sẽ gây nhiều tiếc nuối về một sản phẩm đáng ra đã trọn vẹn hơn nếu được sản xuất súc tích, cô đọng. Một bộ phim thành công luôn phải đi đôi với chất lượng và lẽ đương nhiên chất lượng ấy phải xuyên suốt từ tập đầu cho đến cuối.

Phim truyền hình Việt đang chiếm thị phần cao nhưng nếu tình trạng này liên tục tiếp diễn, sẽ khiến khán giả dần “ghẻ lạnh” và vô tình trở thành rào cản cho sự phát triển chung của ngành./.