Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phim truyền hình “siêu tốc”… nên dở khóc dở cười

PV - 09:00, 07/12/2022

Không thể phủ nhận phim truyền hình Việt đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ và chiếm được cảm tình của công chúng nhờ nỗ lực đổi mới kịch bản, dàn diễn viên diễn xuất tốt và khả năng “bao rating”… Thế nhưng, vì nhiều lý do, mảng phim này luôn xảy ra sự cố khiến món ăn tinh thần trở nên “sượng”, “sạn”, thậm chí còn lộ liễu và khó hiểu đến mức “sạn” đã trở thành… “cục gạch”. Đây được cho là hệ quả của cách làm phim “ăn xổi, “siêu tốc”.

 “Ga-ra hạnh phúc” để lọt hình ảnh người quay phim (góc trái) vào phân cảnh được trình chiếu
“Ga-ra hạnh phúc” để lọt hình ảnh người quay phim (góc trái) vào phân cảnh được trình chiếu

Mới nhất, phim Mẹ rơm (đạo diễn Nguyễn Phương Điền) đang phát sóng trên khung giờvàng của VTV1 bị phản ứng khi tạo hình nhân vật Loan chưa phù hợp với bối cảnh và diễn biến phim. Trong những tập phim gần đây, khán giả phát hiện điểm vô lý ở chi tiết Loan mang bầu. Tại thời điểm trưởng thôn Hào đưa Loan đến bệnh viện với ý định bỏ thai, bác sĩ nói em bé đã được 4 tháng. Sau đó, phim chuyển đến mốc thời gian 4 tháng sau, lúc này Loan đang mang thai 8 tháng. Thế nhưng, vóc dáng của Loan vẫn nhỏ nhắn và di chuyển nhanh thoăn thoắt. Thậm chí, cô còn có thể “co giò” chạy trốn khi Mô “gù” xuất hiện. Bên cạnh đó, chi tiết Loan ngồi bó gối bên bờsuối cũng bị cho là không hợp lý vì chưa thấy mẹ bầu nào làm được điều này.

Trước đó, Ga-ra hạnh phúc phát trên kênh VTV3 cũng khiến khán giả bật cười khi để lọt hình ảnh người quay phim vào khung hình. Cụ thể, cư dân mạng truyền tay nhau một cảnh được cắt trong tập 3 khi Sơn Ca (Quỳnh Kool) đi chợ mua rau, phía góc bên trái màn hình lộ rõ hình ảnh người quay phim. Quả là lạ vì phim qua nhiều khâu kiểm duyệt trước khi chính thức lên sóng, vậy mà không ai phát hiện ra “hạt sạn” này.

Thậm chí, ngay cả ở những bộ phim “nổi đình, nổi đám” như Thương ngày nắng về, Hương vị tình thân, Về nhà đi con... cũng thiếu đi sự trọn vẹn khi bị khán giả soi ra lỗi dở khóc, dở cười. Điển hình nhất là Về nhà đi con, bộ phim được đánh giá là một trong những tác phẩm truyền hình hay nhất về đề tài gia đình và được trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Dù vậy, khán giả vẫn tinh ý phát hiện ra lỗi “chí tử” của bộ phim, cụ thể là 3 chị em ruột Thu Huệ (Thu Quỳnh), Anh Thư (Bảo Thanh) và Ánh Dương (Bảo Hân)… mang hẳn 3 họ khác nhau dù cùng bố cùng mẹ. Huệ mang họ Hoàng, Anh Thư là người nhà họ Nguyễn, cô em út lại là con cháu họ Bùi. Minh chứng là trong bức ảnh siêu âm thai kỳ của Huệ, tên đầy đủ của cô chị cả trong nhà là Hoàng Thu Huệ; còn ở tập 12 màn hình trang cá nhân của cô thứ hai có tên Thư Nguyễn; trang cá nhân của cô út lại là Dương Bùi.

Cùng với đó, trong tập 29 của Về nhà đi con, câu chuyện về chiếc thẻ thanh toán của Vũ (Quốc Trường) cũng bị các “thánh soi” chỉ ra lỗi. Ở phân cảnh thanh toán hóa đơn một cuộc ăn chơi, Vũ đã dùng thẻ thanh toán tiền điện để… quẹt máy thanh toán của ngân hàng, trong khi thực tế điều này là không thể.

Trong bối cảnh nhu cầu thưởng thức các bộ phim truyền hình của khán giả tăng cao, biên kịch, đạo diễn và đoàn làm phim cũng phải đối mặt với áp lực thời gian, nên công nghệ làm phim “siêu tốc” được áp dụng để chạy đua cho kịp tiến độ. Kịch bản có đến đâu, cả ê kíp lao vào quay đến đó, rồi làm hậu kỳ và cho phát sóng luôn. Cách làm như vậy đáp ứng được lịch lên sóng liên tục, nhưng mặt trái là chất lượng phim đôi khi bị “thả nổi”.

Bên cạnh đó, trên các kênh truyền hình hiện nay cũng xuất hiện nhiều bộ phim được xã hội hoá, do các hãng tư nhân sản xuất với mục đích là thu lợi nhuận từ quảng cáo. Cũng vì doanh thu, nhiều nhà sản xuất chỉ tập trung làm sao để hút thật nhiều nhãn hàng mà không mấy quan tâm chất lượng sản phẩm cũng như thông điệp hay hiệu quả xã hội mang lại. Phim được làm ra chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí rẻ tiền, thậm chí không ít bộ phim như Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật, Vòng xoáy tình yêu… khán giả xem cả chục tập vẫn không hiểu nổi ê kíp sản xuất muốn chuyển tải gì. Chưa kể, phim có nhiều tình tiết phi lý đến mức coi thường người xem, vì thế bị xếp vào danh sách “thảm họa” của màn ảnh nhỏ cũng là điều dễ hiểu.

Càng hot thì càng bị soi, khán giả để ý bởi họ quan tâm và đặt kỳ vọng vào phim, hạt sạn dù nhỏ nhưng cắn phải cũng rất ê răng. Có thể nói, chất lượng phim phản ánh tính chuyên nghiệp của ê kíp sản xuất. Còn công chúng thì xưa nay vẫn vậy, luôn mong chờvà khao khát được thưởng thức các sản phẩm văn hóa giải trí chỉn chu, thực sự chất lượng và có giá trị nhân văn sâu sắc trên màn ảnh nhỏ.