Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

T.Nhân - H.Trường - 16:37, 01/05/2024

Từ ngàn xưa, cây sâm Ngọc Linh được đồng bào Xơ Đăng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam rất trân quý, gọi là cây “thuốc giấu”, và xem đó là món quà do Giàng (Trời) ban để bồi bổ sức khoẻ cũng như chữa bệnh. Ngày nay đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, những phiên chợ sâm Ngọc Linh “độc nhất vô nhị” đã thu hút các đại gia từ mọi miền đất nước đổ về tìm mua sâm. Đây cũng là dịp để những “tỷ phú xứ núi” gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng cây “thuốc giấu”.

Mỗi phiên chợ sâm, số tiền giao dịch lên đến hàng tỷ đồng.
Mỗi phiên chợ sâm, số tiền giao dịch lên đến hàng tỷ đồng.

Từ phiên chợ tiền tỷ

Những ngày tháng 4, chúng tôi có dịp trở lại Nam Trà My vào đúng dịp diễn ra phiên chợ Sâm Ngọc Linh lần thứ 76, chứng kiến cảnh người mua, người bán nhộn nhịp, đông vui. Mỗi phiên chợ thu hút hàng ngàn khách mê sâm, mê dược liệu tìm đến để mua, bán.

Như thường lệ, chị Hồ Thị Mười mang hơn 5kg sâm đến chợ bán. Chị Mười cũng là một trong những người đầu tiên tham gia phiên chợ kể từ khi thành lập (năm 2017). Sâm chị mang đến phiên chợ nhiều kích cỡ, tuổi đời cũng khác nhau. Loại thấp nhất có giá hơn 80 triệu đồng 1kg, loại cao nhất khoảng 210 triệu đồng 1kg.

“Mình thường mang đến phiên chợ từ 5-6kg sâm đủ loại để bán. Trung bình, doanh thu mỗi phiên khoảng 500 triệu đồng, chưa trừ vốn và phí các loại. Nếu bán không hết, mình đem về bán qua kênh khác, hoặc trồng lại. Có thời điểm, mình bán 8 - 9 củ sâm loại 1 với giá 205 triệu đồng, đó là những củ sâm có tuổi đời cao, thuộc loại hiếm”, chị Mười chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Huỳnh, chủ Công ty Huỳnh Sâm cho biết: Phiên chợ sâm là cơ hội tốt cho cả những người trồng sâm và khách mua hàng. Giá cả được niêm yết chặt chẽ, nên không có chuyện mỗi người “một giá”. Tôi vừa bán củ sâm hơn 4 lạng với số tiền hơn 140 triệu đồng, đó là củ sâm lớn nhất tôi bán trong phiên chợ này.

Sâm Ngọc Linh có giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi kg tuỳ vào độ tuổi, kích thước.
Sâm Ngọc Linh có giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi kg tuỳ vào độ tuổi, kích thước.

Tại phiên chợ, chúng tôi gặp rất nhiều người mua sâm đến từ các địa phương. Họ đến đây, vừa để thăm quan, vừa chọn mua sâm. Anh Nguyễn Văn T. một vị khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: Gia đình tôi rất hay dùng những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Vì vậy, tôi quyết định đến tận nơi để mua những củ sâm đúng chất lượng mà giá cả lại phải chăng.

Được biết, mỗi phiên chợ thường có khoảng 20 gian hàng riêng về sâm Ngọc Linh và các sản phẩm liên quan đến sâm. Đó là chưa kể, hàng chục người dân mang sâm đến để bày bán. Ngoài ra, có khoảng 40 gian hàng bày bán dược liệu khác, các sản phẩm OCOP của huyện. Hiện, mỗi phiên chợ có khoảng 4.000 – 6.000 người thăm quan, mua sắm; doanh thu từ phiên chợ dao động từ 2 - 12 tỷ đồng.

Đến định hướng phát triển du lịch sâm

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng: Trong những năm qua, cây sâm Ngọc Linh không chỉ giúp cho đồng bào thoát nghèo, mà nhiều người đã vươn lên làm giàu, trở thành những tỷ phú. Chính quyền các cấp cũng rất quan tâm trong việc bảo tồn, phát triển, để ngày càng đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh đi xa hơn. Một trong những điều đó là địa phương đã quy hoạch được địa điểm mua bán tập trung cho người dân, đồng thời cam kết với du khách về chất lượng sâm tại phiên chợ.

Hiện nay, huyện đã có kế hoạch mở rộng quy mô chợ sâm với diện tích 10ha, gồm nhiều hạng mục, với kinh phí dự kiến khoảng 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ mới huy động được khoảng hơn 8 tỷ đồng. “Nếu được hỗ trợ kinh phí để đầu tư bài bản, đây không chỉ là phiên chợ sâm, mà là điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Ngoài chức năng là điểm cung ứng về sâm và dược liệu, phiên chợ còn có các khu thương mại dịch vụ tổng hợp, đủ điều kiện để phục vụ du lịch”, ông Mẫn chia sẻ thêm.

Mỗi phiên chợ sâm Ngọc Linh thu hút hàng ngàn người đến tham quan, mua sắm.
Mỗi phiên chợ sâm Ngọc Linh thu hút hàng ngàn người đến tham quan, mua sắm.

Cũng theo ông Mẫn, phiên chợ sâm hằng tháng đã thu hút hàng ngàn người. Tại đây đã có chợ sâm, có khu ăn uống, nếu đầu tư tốt thì rất khả quan trong việc kết nối những đoàn khách du lịch với các vườn sâm, cũng như sử dụng các dịch vụ liên quan đến sâm và dược liệu. Hơn nữa, vùng đất Nam Trà My có điều kiện về địa hình rừng núi, có nhiều nét văn hoá truyền thống độc đáo của người Xơ Đăng, Ca Dong và quan trọng nhất là “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh. Chính những điều này sẽ làm đòn bẩy để địa phương phát triển du lịch trong thời gian tới.

Nhận thấy tiềm năng du lịch từ các phiên chợ sâm, chính quyền địa phương đã lồng ghép nhiều chương trình để thu hút du khách. Một trong những điểm nhấn đó là cuộc thi “hoa hậu sâm” và trình diễn văn nghệ mang đậm nét văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS.

Cuộc thi “hoa hậu sâm” được tổ chức xen kẽ trong các phiên chợ, nhằm kích thích những người trồng sâm trên địa bàn về việc chăm sóc để có những cây sâm đẹp nhất, giá trị nhất. Từ đó, quảng bá hình ảnh của “thủ phủ sâm” đến với du khách trong và ngoài nước, mở ra hướng phát triển về du lịch.