Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phía sau những lá đơn thoát nghèo

Thanh Nguyễn - 10:00, 11/02/2021

Xuân này, trên những bản làng vùng cao miền Tây xứ Nghệ, cuộc sống mới ấm no, đủ đầy đang hiện hữu trong từng nếp nhà. Niềm vui ấy càng ý nghĩa hơn khi những gia đình từng là hộ nghèo nơi đây, bằng nội lực đã vươn lên phát triển kinh tế, xin ra khỏi hộ nghèo. Những lá đơn của lòng tự trọng ấy đã khơi dậy, lan tỏa ý chí vươn lên trong cộng đồng.

Mô hình trồng rau sạch hàng hóa cho thu nhập cao ở huyện miền núi Tương Dương.
Mô hình trồng rau sạch hàng hóa cho thu nhập cao ở huyện miền núi Tương Dương.

Những người đuổi nghèo

Bốn năm trước, trong mấy gian nhà tranh chật chội, cha con ông Hà Văn Kích, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã sống những tháng ngày chật vật, khốn khó. Làm chẳng đủ ăn, cái nghèo luẩn quẩn khiến gia đình quanh năm suốt tháng “giật gấu vá vai”.

Ngẫm nghĩ nhiều đêm, ông lên xã nộp đơn xin thoát nghèo. Lãnh đạo xã Môn Sơn ngạc nhiên một, người dân bản Xiềng ngạc nhiên mười. “Mặc vợ con lo lắng, tôi gạt ngang. Nhà ta không thể nghèo mãi được, phải làm giàu thôi”, ông Kích kể lại.

Những ngày sau, người dân bản Xiềng đều đặn thấy vợ chồng, con cái ông Kích vác dao vượt núi dựng lán bảo vệ diện tích rừng nhận khoán. Từ nguồn tiền vay mượn, ông Kích phá vườn tạp xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò. Trời không phụ công, có thêm đồng lãi nào, ông dồn hết rồi đắp đổi mọi nơi, xây dựng thêm một ki ốt bán đủ mặt hàng phục vụ nhu cầu bà con quanh vùng. Ông Kích hồ hởi: “Nhà ta đã thoát nghèo rồi đấy, không còn lo đói nữa. Cả bản Xiềng này đã tin lá đơn thoát nghèo của ta rồi”.

Để minh chứng lời mình nói, ông Kích dẫn tôi xem khắp chuồng trại nuôi 20 con lợn thịt, 300 con gà... Thấy tôi chăm chú vào mấy chuồng trống, ông Kích cười rõ tươi: “5 con trâu, bò nhà ta đang chăn thả trên 12ha rừng nhận khoán, tối ta mới cho về. Chăm đàn lợn, gà và bán hàng cũng đã mệt lắm rồi”.

Rời nhà ông Kích, chúng tôi theo chân Bí thư Chi bộ bản Xiềng - Hà Thị Thìn thăm những hộ gia đình đã nộp đơn thoát nghèo mấy năm trước. Những hộ dân ấy chẳng còn ai nghèo đói nữa. Anh Hà Quốc Tế cũng đã có hơn 10 con lợn, hơn 300 con gà trong chuồng cùng 4 sào ruộng; anh Lô Văn Thưởng cũng đã có trang trại 3ha với nhiều trâu, bò, gà, lợn, ao cá…

Làm Bí thư Chi bộ bản 23 năm, bà Thìn hiểu rành rẽ cuộc sống, điều kiện mỗi người dân bản Xiềng. Cứ thêm một hộ thoát nghèo, bà Thìn vui lắm: “Bản ta đã có 17 hộ làm đơn thoát nghèo và ai cũng đã có cuộc sống khấm khá hơn trước, không phải lo cái đói nữa”.

Đơn xin thoát nghèo của người dân.
Đơn xin thoát nghèo của người dân.

Môn Sơn là một trong những địa phương đi đầu ở Con Cuông với phong trào viết đơn xin thoát nghèo. Sau Môn Sơn, những xã Thạch Ngàn, Lạng Khê, Châu Khê, Chi Khê, Lục Dạ, Bồng Khê... cũng đã có thêm nhiều người dân tự nguyện nộp đơn thoát nghèo. Tính đến nay, toàn huyện Con Cuông đã có 523 hộ nộp đơn xin thoát nghèo, rất nhiều hộ trong số này đã thực sự xóa đói, đuổi nghèo từ lòng tự trọng, từ nỗ lực vượt khó vươn lên.

Phong trào thoát nghèo đã lan tỏa sang các huyện miền núi Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ… Ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, Sở LĐTB&XH Nghệ An nói chắc nịch: Những lá đơn xin thoát nghèo ở các huyện miền núi có điều kiện KT-XH còn khó khăn sẽ có tác động tích cực trong việc động viên người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Mô hình chăn nuôi bò thoát nghèo ở Tương Dương.
Mô hình chăn nuôi bò thoát nghèo ở Tương Dương.

Đòn bẩy từ cơ chế

Giảm nghèo nhanh và bền vững, đang là mục tiêu được quan tâm đặc biệt nơi các huyện miền Tây xứ Nghệ. “Muốn thoát nghèo, ý thức, động lực của người dân là rất quan trọng, nhưng cần có cơ chế, mô hình hiệu quả để bà con học theo, phát huy tiềm năng, tạo việc làm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng”, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông khẳng định.

Từ ước muốn thoát nghèo của các hộ dân, từ thực tế cuộc sống, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ để đồng bào thoát nghèo đang được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ. Từ những Đề án Phát triển KT-XH miền Tây, xây dựng NTM các xã biên giới, phát triển sản xuất nông nghiệp các huyện dọc đường Hồ Chí Minh… tỉnh Nghệ An, các huyện miền Tây đã cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, nhiều cơ chế ưu đãi.

Xuất phát từ địa hình miền núi, tiềm năng đất đai rộng lớn, khí hậu phù hợp, nhiều địa phương đã chủ trương tập trung quy hoạch xây dựng và cơ cấu kinh tế vùng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình trang trại, gia trại, vườn rừng.

Nhìn từ xã Bồng Khê, huyện Con Cuông đã thấy rõ điều đó. Theo thống kê, thôn 2/9 xã Bồng Khê có 20 trang trại trồng các loại cây ăn quả ổi, táo, cam, thanh long, chè công nghiệp, trồng rừng nguyên liệu và chế biến nông, lâm sản cho thu nhập cao từ 200 - 700 triệu đồng/năm.

Điển hình trong số này là trang trại của chị Bùi Thị Vân ở thôn 2/9. Trên diện tích 3.600m2 đất đồi, chị trồng 120 cây bưởi da xanh. Sau 4 năm chăm bón, nay mỗi năm gia đình chị thu lãi ròng 150 -200 triệu đồng. Cùng chung niềm vui của chị Vân, anh Bùi Anh Dũng ở cùng thôn khoe: Vườn bưởi của tôi đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhiều khách hàng đã đến trực tiếp hoặc gọi điện thoại đặt hàng. Giá bưởi mỗi quả từ 50.000 - 60.000 đồng, trừ chi phí cũng có thu nhập 200 triệu đồng.

Nhiều địa phương miền núi ở Nghệ An, nhờ phát huy tốt tiềm năng về đất đai, con người, phát triển các mô hình kinh tế, đời sống người dân từng bước ổn định, nâng cao, thoát nghèo và làm giàu. Những tỷ phú vùng miền núi Huồi Cọ, huyện Kỳ Sơn là minh chứng rõ ràng nhất cho điều ấy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho biết: “Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, phát huy ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm dần qua từng năm. Và đến cuối năm 2020 còn dưới 3%. Quan điểm của tỉnh là giảm nghèo bền vững, thực chất, không chạy theo thành tích, với mục đích nâng cao đời sống người dân.

Từ những lá đơn của lòng tự trọng, từ ý chí và nghị lực, bằng những chủ trương, chính sách sát, đúng của cấp ủy đảng, chính quyền, cánh cửa đói nghèo, khốn khó đang dần khép lại để mở ra một cuộc sống mới no ấm, đủ đầy ở các bàn làng miền Tây xứ Nghệ./.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.