Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025"

T.Hợp - 11:21, 06/04/2021

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025".

Đại diện Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và môi trường tặng quà cho trẻ em vùng cao huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Đại diện Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và môi trường tặng quà cho trẻ em vùng cao huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh , trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Quan điểm của Đề án là tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để trồng một tỷ cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử..., bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Cũng theo đề án này, sẽ trồng cây xanh trong rừng tập trung. Cụ thể, trồng 180 nghìn ha rừng trồng tập trung, tương đương khoảng 310 triệu cây (bình quân trồng 36 nghìn ha rừng/năm, tương đương 62 triệu cây/năm), gồm: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 30 nghìn ha, tương đương 70 triệu cây (bình quân 6 nghìn ha/năm, tương đương 14 triệu cây/năm); trồng mới rừng sản xuất: 150 nghìn ha, tương đương 240 triệu cây (bình quân 30 nghìn ha/năm, tương đương 48 triệu cây/năm).

Đối với rừng đặc dụng, trồng các loài cây bản địa có phân bố tự nhiên trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó; đối với rừng phòng hộ, trồng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; đối với rừng sản xuất, trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày.

Về địa điểm trồng, với đất rừng phòng hộ, diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, trong đó đặc biệt ưu tiên trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng phòng hộ vùng ven biển.

Với đất rừng đặc dụng, diện tích đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan; diện tích đất được quy hoạch trồng mới rừng sản xuất.

Theo kế hoạch thực hiện, trong năm 2021, đề án sẽ trồng khoảng 182 triệu cây, trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020.

Từ năm 2022 - 2025, trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Bộ NN& PTNN được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng cụ thể kế hoạch 5 năm và hằng năm./.