Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển kinh tế rừng để xóa đói giảm nghèo ở Bình Gia

Thúy Hồng - 08:49, 29/11/2024

Xác định kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng rừng để phát triển kinh tế. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Người dân xã Hồng Thái phát triển kinh tế từ trồng rừng keo
Người dân xã Hồng Thái phát triển kinh tế từ trồng rừng keo

Với diện tích 98.000ha đất rừng và đất lâm nghiệp, huyện Bình Gia là địa phương có tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế đồi rừng. Những năm qua, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền bà con mở rộng diện tích trồng rừng, đa dạng hóa cây trồng trên cùng một quỹ đất để tận dụng tối đa diện tích đất rừng hiện có. Về lâu dài, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân từ nghề rừng.

Cụ thể như tại Hồng Thái, là xã có tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng, diện tích đất lâm nghiệp là 3.248ha (chiếm 85%). Để ổn định đời sống cho bà con, xã Hồng Thái đã đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, nhất là cây keo, bạch đàn. Toàn xã có gần 200 hộ trồng rừng, hộ trồng ít có 1ha, hộ trồng nhiều hơn 5ha. Nhờ đó, tổng diện tích rừng trên địa bàn xã hiện có hơn 500ha.

Ông Long Văn Hải, thôn Nà Bản, xã Hồng Thái cho biết: "Gia đình tôi trồng được khoảng 1,5ha keo, đến năm 2017 diện tích keo cho thu hoạch giúp gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, gia đình tôi trồng lại trên diện tích đã khai thác và mở rộng thêm, đến nay đã trồng được 2,5ha, cây đang sinh trưởng và phát triển tốt".

Bình Gia là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng
Bình Gia là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng

Nhận thấy hiệu quả từ rừng, phong trào phát triển kinh tế rừng có sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng thôn, bản, hộ gia đình. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng cũng ổn định khi các thương lái trong và ngoài huyện đến tận nơi thu mua. Người dân yên tâm về đầu ra nên diện tích rừng ngày càng được mở rộng.

Theo ông Lương Hoàng Đựng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, để phát huy hiệu quả từ kinh tế đồi rừng, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng tại các thôn. UBND xã hướng dẫn bà con vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển trồng rừng, kết hợp chặt chẽ với công tác khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái. Riêng trong năm 2024 trồng rừng phân tán được 71,3ha/60ha, trong đó cây hồi trồng được 8,8ha, keo 57ha, bạch đàn 5,5ha...

Còn tại xã Tân Hòa, chính quyền và người dân đã chọn cây quế là cây trồng chủ lực vì rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Đến nay, vùng quế Tân Hòa đã có hơn 500ha, độ tuổi quế trung bình từ một đến hơn 10 năm, nhiều diện tích đã cho khai thác.

Anh Đặng Hoa Lin, thôn Tân Tiến, xã Tân Hòa cho biết: Từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo, gia đình anh đã đầu tư trồng quế tại vườn nhà. Sau khi thử nghiệm trồng, thu được lượng tinh dầu tương đối cao, cây quế sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình anh đã đầu tư trồng quế trên toàn bộ diện tích đất rừng được giao. Hiện nay, gia đình anh có trên 5ha rừng quế với hơn 15.000 cây, cho thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.

Ông Đặng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng từ cây quế, chính xã đã tuyên truyền, vận động hỗ trợ kỹ thuật cho người dân lựa chọn là cây trồng chủ lực. Đến nay, vùng quế Tân Hòa đã có hơn 500ha, độ tuổi quế trung bình từ một đến hơn 10 năm, nhiều diện tích đã cho khai thác mang lại thu nhập từ 150 đến 160 triệu đồng/ha.

Hàng năm, doanh thu từ các sản phẩm vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung được 70 – 80 tỷ đồng
Hằng năm, doanh thu từ các sản phẩm vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung được 70 – 80 tỷ đồng

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Gia, hiện nay toàn huyện đã hình thành vùng trồng quế tập trung với diện tích gần 3.100ha; vùng trồng hồi với 11.500ha hồi; vùng trồng keo 7.544ha; vùng trồng mỡ 2.261ha… Hằng năm, doanh thu từ các sản phẩm vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung đạt  70 – 80 tỷ đồng.

Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện đã tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm quế và chuỗi liên kết sản phẩm hoa hồi và các sản phẩm từ hồi. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp của huyện đạt gần 110 tỷ đồng/năm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, kết hợp với chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, có thể đa dạng hoá các sản phẩm nông, lâm nghiệp như: hồi, quế, mỡ, keo, bạch đàn… nên những năm qua, huyện tập trung tuyên truyền bà con mở rộng diện tích. 

Hướng đi này, không chỉ góp phần đa dạng hóa cây trồng, mà về lâu dài còn giúp người trồng rừng tăng thu nhập từ rừng. Góp phần tăng thu nhập, xóa đói nghèo giảm cho người dân. 

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.