Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển giáo dục đại học đối với học sinh vùng đồng bào DTTS: Căn cứ để thực hiện chính sách ưu tiên của Nhà nước

Minh Anh (t/h) - 11:58, 07/01/2022

Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; xét chuyển vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (Thông tư 44), thay thế Thông tư số 26 ngày 30/12/2016 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.

Thông tư là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện chính sách ưu tiên của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học đối với học sinh đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)
Thông tư là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện chính sách ưu tiên của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học đối với học sinh đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)

Ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; xét chuyển vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (Thông tư 44).

Một số bất cập của Thông tư số 26/2016/TT-BGDĐT

Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc - Bộ GD&ĐT, qua 5 năm triển khai thực hiện, Thông tư số 26/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ GD&ĐT về quy chế tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng, xét chọn và phân bổ vào học trình độ đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh dự bị đại học (Thông tư 26) đã bộc lộ những bất cập:

Đối tượng áp dụng của Thông tư 26 có trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm không phù hợp với Luật Giáo dục 2019.

Kỳ thi THPT quốc gia đã thay bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên quy định việc xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và thí sinh phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia ngay trong năm xét tuyển (theo Thông tư 26) là không phù hợp.

Thông tư 26 chưa quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với khối ngành Giáo viên và sức khỏe, dẫn đến sự không thống nhất với quy chế tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, phát sinh những khó khăn khi xét chuyển học sinh hoàn thành dự bị đại học vào các trường đại học y, đại học sư phạm.

Thông tư 26 chưa quy định việc điều chỉnh chương trình và nội dung bồi dưỡng theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; quy định về ngân hàng đề thi cuối khóa không khả thi; chưa có quy định về đánh giá rèn luyện đối với học sinh dự bị đại học.

Thông tư 26 chưa có quy định cụ thể để làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học tiếp nhận học sinh hoàn thành dự bị đại học. Thuật ngữ phân bổ vào học trình độ đại học không còn phù hợp với tự chủ đại học quy định tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Một số điểm mới của Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT

Đối tượng được xét tuyển theo Thông tư 44 “Thí sinh là người DTTS thường trú từ 18 tháng liên tục trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh) tại các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực 1(KV1) quy định tại Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành; có cha mẹ đẻ hoăc người giám hộ thường trú tại khu vực này”. Như vậy, điều kiện về nơi đặt trụ sở trường học đã được loại bỏ để bảo đảm công bằng cho những học sinh DTTS cùng gia đình sinh sống lâu dài ở khu vực KV1 nhưng ở đó không có trường THPT.

Phương thức tuyển sinh, các điều kiện xét tuyển, các căn cứ sử dụng để xét tuyển, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào... được thể hiện tại Điều 4 về Đề án tuyển sinh của các trường dự bị đại học trình Bộ GD&ĐT phê duyệt hằng năm.

Về xét chuyển học sinh hoàn thành dự bị đại học vào học trình độ đại học, Thông tư 44 quy định các cơ sở giáo dục đại học phối hợp với các trường dự bị đại học xác định chỉ tiêu và kế hoạch tiếp nhận học sinh hoàn thành dự bị đại học. Nội dung này bảo đảm thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, đồng thời là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện chính sách ưu tiên của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học đối với đồng bào DTTS, người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại Điều 12 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/2/2022 và thay thế Thông tư số 26 ngày 30/12/2016 của Bộ GD&ĐT./.